Dân Việt

Hết thời “lấy chồng sớm làm gì”

Mỵ Lương 14/09/2016 06:30 GMT+7
Lấy nhau từ thuở đều đang tuổi ăn, tuổi lớn nên nhiều cặp vợ chồng đã cãi vã, bất hoà thường xuyên... Trước thực trạng buồn ấy, ở xã Bản Giang, huyện Tam Đường, Lai Châu, chính quyền và người uy tín đã có cách làm sáng tạo ngăn chặn nạn tảo hôn.

Khổ vì lấy chồng sớm

Kết hôn từ 14 tuổi, có con đầu lòng đã 2 tuổi nhưng cặp vợ chồng trẻ con Ly Thị Dáu (17 tuổi) và anh Vàng A Minh (16 tuổi) vẫn thường xuyên bất hoà với nhau. Ngay khi cưới, “hai chị em” được bố mẹ cho ở riêng ngay, nhưng mọi việc lớn bé trong nhà đều do Dáu đảm nhiệm. A Minh vẫn tuổi ăn, tuổi chơi, chỉ lo đàn đúm với bạn bè. Áp lực kinh tế gia đình, con cái ốm đau liên miên..., hai vợ chồng thường xuyên cãi vã. Không ít lần chị Dáu muốn trở về nhà mẹ đẻ cho thoát khổ nhưng lại sợ hàng xóm chê cười. “Lấy chồng trong khi mình rất muốn đi học, muốn được đến trường. Nếu biết lấy chồng mệt mỏi, vất vả như vậy mình sẽ quyết liệt từ chối” – chị Dáu tâm sự.

Chia sẻ về vấn đề này, già làng Lường Văn Sơn cho hay, xã Bản Giang chủ yếu là người dân tộc Dao, Mông và người Giáy, có phong tục lập gia đình sớm. Cách đây khoảng hơn chục năm, tại địa phương này, tình trạng tảo hôn diễn ra rất nhiều. Các cặp vợ chồng trẻ con chưa biết tự chăm lo cuộc sống cho mình, không biết cư xử, nhường nhịn, thậm chí còn mải chơi nên thường xuyên mâu thuẫn, cãi cọ nhau. “Không chỉ hay cãi cọ, đánh mắng nhau mà các cặp vợ chồng tảo hôn còn kéo theo rất nhiều hệ lụy liên quan đến sức khỏe sinh sản, sinh con yếu ớt, kinh tế trong nhà không phát triển được. Cha mẹ ép con cưới sớm, con không đồng ý cũng đánh mắng, cấm đoán. Trẻ em bị ép bỏ học để cưới sớm” – già Lường Văn Sơn cho biết.

Phương cách linh hoạt

Để giải quyết vấn nạn này, những người uy tín ở các bản của xã Bản Giang đã dùng ảnh hưởng của mình, vận dụng linh hoạt để hoá giải. Già Lường Văn Sơn kể về một trường hợp tảo hôn được già “giải cứu” thành công. Đó là sự việc của em Lù Thị Kiêm (14 tuổi) - con gái của chị Vàng Thị Tài (32 tuổi). Dù mới đang học lớp 8 nhưng em Kiêm vẫn quyết định bỏ học giữa chừng để chạy theo “tiếng gọi của tình yêu”. Hai gia đình khó khăn, không có điều kiện cho con học tiếp nên cũng đồng ý việc cưới hỏi. Ngay khi nhận được thông tin đám cưới của cháu Kiêm sắp diễn ra, già làng Sơn và bí thư chi bộ xã đã đến gia đình để vận động. Tuy nhiên già bản Sơn đã gặp sự phản ứng quyết liệt của cả đôi bạn trẻ và hai bên gia đình.

img

 Chị Ly Thị Dáu mới 17 tuổi nhưng con đã hơn 2 tuổi. Ảnh: Mỵ Lương 

Để xử lý nạn tảo hôn, chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Thậm chí có trường hợp đến xã vừa làm giấy khai sinh cho con, vừa làm giấy đăng ký kết hôn cho bố mẹ. Không ít gia đình chấp nhận tảo hôn, chấp nhận chịu phạt”. 

Bà Phạm Thị Bảo Yến -
cán bộ văn hoá xã Bản Giang

 “Nhờ nắm vững hoàn cảnh của gia đình nhà Kiêm là mồ côi bố từ nhỏ, dưới Kiêm còn hai em đang tuổi ăn tuổi học, được nhận trợ cấp trẻ mồ côi. Bé Lù Thị Vân – em gái út của Kiêm còn được nhận trợ cấp trẻ khuyết tật. Tôi bèn nghĩ ra cách nói với hai bên gia đình rằng: Nếu đám cưới vẫn tiếp tục diễn ra thì trợ cấp của các em sẽ bị cắt. Bởi gia đình tảo hôn là làm trái quy định chung của pháp luật. Sợ mất trợ cấp trong hoàn cảnh khó khăn, cho nên hai bên gia đình đã đồng ý hoãn lại ngày cưới, chờ đến khi các cháu đủ tuổi” – già làng Sơn cho biết.

Năm 2015 và 8 tháng qua, xã Bản Giang đã phát hiện sớm 4 trường hợp có nguy cơ tảo hôn sớm và kịp thời xử lý theo cách làm tương tự. Ngoài xử lý về hành chính theo những quy định của pháp luật về các vụ việc liên quan đến tảo hôn, từng bản cũng đặt ra những quy ước riêng để bà con tuân thủ. Đặc biệt không để xảy ra việc cha mẹ cưỡng ép con cái tảo hôn...