Dân Việt

Siêu máy bay ném bom của Mỹ dằn mặt Nga-Trung-Triều

Phương Đăng 14/09/2016 15:34 GMT+7
Trong 2 tháng qua, Mỹ đã 3 lần triển khai máy bay ném bom chiến lược siêu âm B-1, được trang bị tên lửa hành trình phi hạt nhân tối tân, nhằm gửi thông điệp mạnh tới Trung Quốc, Triều Tiên và Nga từ độ cao 11.000 m. Theo giới phân tích, đây là biểu hiện của chính sách ngoại giao pháo hạm, đe dọa dùng vũ lực của Mỹ.

Mới đây nhất, Không lực Mỹ ngày 13.9 vừa triển khai các siêu máy bay B-1 kết hợp với các máy bay F-16 và F-15 của Hàn Quốc  bay qua căn cứ không quân Osan, phía nam Seoul, trong động thái nhằm phô trương sức mạnh và thể hiện sự đoàn kết với đồng minh, răn đe Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân lần 5 của nước này hồi tuần trước.

img

Siêu máy bay ném bom chiến lược B-1 của Mỹ bay trên bầu trời Hàn Quốc hôm 13.9

Các máy bay ném bom B-1 bay tầm thấp trên căn cứ không quân Osan ở Hàn Quốc, cách đường biên giới khu phi quân sự giáp Triều Tiên 77 km, cách thủ đô Seoul của Hàn Quốc 40 km.

Theo NBC News, mỗi máy bay ném bom B-1 mà Mỹ triển khai mang theo hơn 20 tên lửa hành trình phi hạt nhân với đầu đạn có khả năng xuyên thủng boongke và chính xác cực cao.

Những siêu máy bay của Mỹ đã "chọc giận" Triều Tiên. Hãng thông tấn KCNA của nhà nước Triều Tiên hôm nay gọi việc Mỹ điều máy bay ném bom chiến lược B-1B là hành động "khiêu khích quân sự đang từng giờ đẩy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tới điểm phát nổ" và cảnh báo "tốt hơn hết, họ nên dừng hành động thiếu suy nghĩ của mình".

Theo giới phân tích, những lần cất cánh của siêu máy bay B-1 nằm trong khuôn khổ các sứ mệnh của Mỹ ở châu Á và châu Âu là biểu hiện của chiến lược ngoại giao pháo hạm, đe dọa dùng vũ lực của Mỹ nhằm cho các đối thủ cũng như đồng minh của Mỹ thấy cái mà Washington gọi là "cam kết không thể lay chuyển".     

"Vụ thử hạt nhân của Triều Tiên là một sự leo thang nguy hiểm và đặt ra mối đe dọa không thể chấp nhận. Mỹ có cam kết không thể lay chuyển là bảo vệ các đồng minh tại khu vực và sẽ đi những bước cần thiết để làm điều này...", Tướng Vincent K.Brooks, chỉ huy lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc tuyên bố hôm 13.9 về lần triển khai siêu máy bay B-1 mới nh

"Việc triển khai này nhằm chứng tỏ khả năng", ông Hans M. Kristensen thuộc Liên đoàn Khoa học Mỹ, người theo dõi các nhiệm vụ này bình luận. Ông giải thích rằng Mỹ tin các tên lửa hành trình liên quân ngoài tầm không đối đất (JASSM) mà siêu máy bay ném bom B-1 mang theo có sức mạnh đáng sợ cho dù không được trang bị hạt nhân.

img

Kho vũ khí, đạn dược "khủng" mà một máy bay ném bom B-1 có thể mang theo.

Trước đó, ngày 13.9, một máy bay ném bom B-1 từ căn cứ Không quân Dyess tại Texas của Mỹ cũng hạ cánh xuống căn cứ Ostrava, CH Czech.

Theo báo cáo chính thức của Lầu Năm Góc, đây là một phần trong kế hoạch triển khai nhóm oanh tạc cơ phi hạt nhân tới châu Âu để tham gia tập trận Ample Strike cùng với liên minh quân sự NATO. Chiếc B-1 này được giao sứ mệnh phối hợp hoạt động với máy bay ném bom B-52 đến Ostrava từ 2 tuần trước đó.

Bình luận về động thái trên, ông Kristensen cho rằng, việc này chắc chắn thu hút sự chú ý của Nga. Đặc biệt, tháng trước, cũng trong cuộc tập trận của NATO, Mỹ đã triển khai một chiếc máy bay ném bom tầm xa chiến lược B-52 tới nước láng giềng Slovakia. Đây là lần đầy tiên máy bay ném bom B-52 của Mỹ được triển khai tới đây để tham gia tập trận.

Đầu mùa hè này, một chiếc B-1 và một máy bay ném bom tàng hình B-2 đã được triển khai tới căn cứ Andersen tại Guam. Căn cứ Andersen vốn là nhà của các máy bay B-52 của Không lực. Theo đó, đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai đồng bộ cả 3 máy bay ném bom chiến lược  tới châu Á.

Sau đó, vào ngày 17.8, Mỹ một lần nữa làm việc với các đồng minh tại khu vực, đưa cả 3 loại máy bay ném bom tới làm nhiệm vụ tại Biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán trong các tranh chấp hàng hải với Philippines và các quốc gia trong khu vực. Trung Quốc cũng thường xuyên tổ chức tuần tra Biển Đông để phô trương sức mạnh.

Theo ông Kristensen, chiến lược dùng siêu máy bay ném bom dằn mặt Nga, Trung Quốc, Triều Tiên của Mỹ có lực đẩy rất lớn nhờ việc triển khai tên lửa JASSM tầm xa gần đây. Mỗi chiếc B-1 có thể mang tới 24 tên lửa loại này. Mỗi tên lửa loại này lại có đầu đạn nặng hơn 450 kg. Tên lửa JASSM được báo có có thể tấn công một mục tiêu ở khoảng cách 600 dặm (hơn 900 km) với độ chính xác cực cao.

Trong khi đó, siêu máy bay ném bom B-1 cũng sở hữu sức mạnh đáng gờm. Nhưng chiếc B-1 ra đời nhằm thay thế vai trò phi cơ ném bom chiến lược của pháo đài bay B-52. Tuy nhiên, quân đội Mỹ đang sử dụng song song hai mẫu phi cơ này.

Mỗi chiếc B-1 dài khoảng 44,5 m, cao 10,4 m, với sải cánh 24 m khi cụp và 42 m khi xòe. Bốn động cơ phản lực General Electric F101-GE-102 tạo lực đẩy cho phi cơ. Nó có khả năng bay với vận tốc 1.335 km/h ở độ cao trên 15.000 m.    

B-1  có tải trọng cất cánh rỗng 87 tấn, tối đa 216,4 tấn. Nó có thể mang 57 tấn vũ khí, bao gồm 34 tấn bom ở các khoang chứa trong thân và 23 tấn vũ khí dưới các giá treo bên ngoài. B-1 có khả năng ném tất cả các loại bom, bao gồm cả bom nguyên tử chiến lược và chiến thuật. Ngoài ra, khả năng phòng thủ lớn nhất của B-1 là công nghệ tàng hình tiên tiến nhất.

Những vũ khí tầm xa - máy bay ném bom và tên lửa - hiện nay ngang với các vũ khí không gian mạng và hạt nhân, đều là những yếu tố trong bộ ba chiến lược răn đe mới của Mỹ.

"Đó là sự thay đổi đáng kể nhưng ít được chú ý", ông Kristensen nhấn mạnh.