1. Máy xay sinh tố
Thứ này, chắc chắn không phải mua, nhà nào giờ cũng có một chiếc máy xay sinh tố. Tuy nhiên, nếu cầu kỳ hơn bạn có thể mua thêm một máy xay tay, rất hữu dụng trong những tháng đầu tiên vì bé, thức ăn xay thật nhuyễn, với số lượng ít.
Ngoài ra, một số máy xay sinh tố được thiết kế riêng cho việc ăn dặm, ví dụ như Avent Baby food blender, có ưu điểm (nhưng không quan trọng) là: máy sẽ hấp và xay trong một quy trình khép kín, trong khi với máy xay bình thường thì bạn phải hấp/nấu chín ở ngoài trước khi xay.
2. Ghế ăn
Một hình ảnh tưởng là đã cũ, nhưng lại vẫn còn khá phổ biến là mỗi buổi chiều, trong sân các khu chung cư mới, ông bà, bố mẹ hoặc người giúp việc tay cầm bát cháo, tay đẩy xe đẩy hoặc xe đạp trẻ con đi ra đường, đút cho bé ăn. Thậm chí, trên diễn đàn web trẻ thơ còn có hẳn một topic về các “chiêu” cho con ăn: giật nước toilet, con há miệng cười – xúc một miếng! Bà đội rổ lên đầu – ú – òa, xúc một miếng, cho con vào thang máy đi lên đi xuống cho đến khi hết bát cháo, hoặc cá biệt là trèo lên cây làm trò…
Để không lặp lại lịch sử này, bạn cần một chiếc ghế ăn và cho con ăn ngay từ ngày đầu tiên ăn dặm, để hình thành cho con thói quen ăn ngoan ngay từ bé. Đến năm 2 tuổi, khi tay đã khéo léo, các con sẽ nhanh chóng học được cách tự xúc ăn gọn gàng.
Ghế ăn làm bằng gỗ có bán khá nhiều trên thị trường, đẹp nhưng ghế rất rộng, và đặc biệt phần thắt lưng lại chỉ buộc quanh bụng, nên các bé sẽ chực đứng lên và trèo ra khỏi ghế. Bạn cần chọn một chiếc ghế ăn chuyên dụng, vừa vặn với việc ngồi ăn, có thắt lưng đeo qua vai, không cho bé cơ hội trèo ra ngoài. Ghế ăn thường đi kèm với khay đựng thức ăn, nên chọn loại có hai lớp khay nhựa (có thể chồng lên nhau). Khi con ăn xong, mẹ chỉ cần nhấc phần khay mỏng bên trên đem đi rửa, khô thì lại chồng lên chiếc khay lớp dưới.
3. Yếm nhựa
Khi bắt đầu cho con ăn dặm, tôi đi mua đồ và ấn tượng đầu tiên về chiếc yếm nhựa là: “Trông cứng thế không biết bé đeo có khó chịu không?” Tuy thế sau vài tuần sử dụng tôi mới hiểu tại sao chiếc yếm này lại được các bà mẹ nước ngoài yêu chuộng đến thế.
Các bé ăn chắc chắn sẽ rơi vãi ra ngoài, và chiếc yếm này sẽ hứng phần rơi vãi này, giúp mẹ giảm thiểu việc dọn dẹp sau bữa ăn. Khác với yếm vải, chỉ cần rửa yếm với xà phòng và nước sạch là yếm lại sẵn sàng cho bữa ăn tiếp theo của bé. Với chiếc quai đeo nhiều nấc điều chỉnh, bạn hoàn toàn có thể dùng từ lúc bé 6 tháng cho đến năm con 3 tuổi!
Yếm nhựa Combi hay BabyBjorn, Tommee Tippee là những thương hiệu bạn có thể mua được ở Việt Nam.
4. Cốc đựng thức ăn
Nếu có thể nấu ăn cho bé hàng ngày thì không có gì tốt bằng, nhưng nếu bận rộn, bạn có thể nấu thức ăn cho cả một tuần, chia vào các cốc đựng thức ăn, để nguội rồi cất tủ lạnh. Thức ăn để đông lạnh vẫn giữ được vị ngon là: các loại thịt, cá, khoai tây, gạo, cà rốt, cà chua, bí đỏ…
Trước khi bé ăn, lấy thức ăn từ tủ lạnh, để cốc ở ngoài khoảng 5-10 phút cho thức ăn tách khỏi cốc, rồi đổ thức ăn ra bát và hâm nóng bằng lò vi sóng.
Khi hâm nóng thức ăn bằng lò vi sóng, lưu ý không cho bé ăn ngay mà đợi vài phút để thức ăn nguội dần đều. Lò vi sóng tạo nên những điểm nóng ở nhiệt độ khác nhau, có thể gây bỏng.
Lưu ý:
- Thức ăn để đông nên sử dụng hết trong vòng 3 tháng
- Đợi thức ăn nguội (khoảng 18-22C) mới cho vào ngăn đá (để thức ăn ấm/nóng sẽ tạo nên sự thay đổi nhiệt độ trong ngăn đá và ảnh hưởng đến việc bảo quản).
- Nếu để thức ăn ở ngăn mát nên ăn hết trong vòng 48 tiếng.
5. Nồi ủ
Chiếc nồi ủ Magic Thermal cooker của Tiger giúp bạn không phải lo canh chừng nồi cháo nữa, mà chỉ cần đun sôi để gạo, thịt cá chín, rồi cho vào nồi ủ khoảng 2 tiếng là được nồi cháo thơm ngon cho bé!
Chiếc nồi này không chỉ dùng trong việc nấu cháo không thôi mà còn có thể dùng cho nhiều món khác như: bún bò giò heo, thịt kho tàu, bò kho gừng, ủ sữa chua…
6. Bình uống nước không đổ (sippy cup)
Khi mới tập uống nước bé sẽ làm rơi cốc, hoặc có bé còn cố tình ném cốc xuống sàn nhà. Vì vậy chiếc cốc không đổ sẽ giúp mẹ không phải lo thảm hay salon bị ướt sữa hoặc nước hoa quả và kiến “ghé thăm”.