Dân Việt

Chưa chốt đặt lối lên xuống ga tàu điện ngầm ở Hồ Gươm

Vinh Hải 15/09/2016 16:16 GMT+7
Nhiều phương án đặt nhà ga C9 thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2 đã được tính toán, tuy nhiên Hà Nội vẫn thống nhất sẽ đặt nhà ga này ở khu vực Hồ Gươm.

Vì sao ga C9 đặt ở Hồ Gươm?

Như Dân Việt đã thông tin, việc TP.Hà Nội thống nhất đặt nhà ga C9 ở khu vực Hồ Gươm và dự kiến có 2 lối lên xuống tại khu vực đền Bà Kiệu, Hồ Gươm vẫn đang gặp phải phản đối của nhiều chuyên gia.

Theo đại diện Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, nhà ga C9 nằm giữa ga C8 và C10. Trong đó, ga C8 kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1, nằm ở khu vực bốt Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm). Ga C10 đặt ở vị trí giao giữa phố Trần Hưng Đạo với phố Hàng Bài (kết nối với tuyến đường sắt số 3). Hai ga trên là ga kết nối nên đã cố định. Theo yêu cầu hướng tuyến, quy hoạch đã được duyệt và yêu cầu đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 với các ga C8, C10 khoảng 1 km thì vị trí ga C9 được chọn là phù hợp nhất.

img

Khu vực hồ Gươm sẽ được đặt một ga ngầm của dự án đường sắt đô thị số 2. Ảnh: Ngọc Thành

Còn ông Lưu Xuân Hùng - Phó Trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết: “Trong 5 năm qua, nhiều lối tiếp cận đã được tính đến nhưng có lối quá xa như Cung thiếu nhi Hà Nội dẫn đến hiệu quả với người dân bị hạn chế, chi phí xây dựng cao vì phải làm đường ngầm rất dài dẫn từ ga ra. Hay như vị trí ga ngầm ở phố Lý Thái Tổ không xây dựng được vì nhà dân ở đó đã đóng cọc hết. Nếu đủ kích thước xây dựng ga thì phải khoan cọc, chưa tính tới giải phóng mặt bằng”.

Phương án đặt nhà ga ở bến xe điện cũ Bờ Hồ. Đây là vị trí trước đây được người Pháp chọn làm trung tâm xe điện, tiếp cận nhiều tuyến phố. Thế nhưng, tàu metro chạy vận tốc trung bình 40 – 45km, chiều dài 6 toa khong thể cua gấp được. Để làm ga ở vị trí này cần phải giải phóng mặt bằng 200 nhà phố cổ. Phương án này được cho là không khả thi.

Ông Hùng cho biết thêm, khi mới hình thành dự án cũng xét tới việc đặt ga C9 ở dốc Bác Cổ. Nhưng ở vị trí này thì tàu phải chạy ra phía bờ đê. Nhược điểm là không đảm bảo luật đê điều, không tiếp cận trung tâm, không đúng yêu cầu của vận tải công cộng là đáp ứng nhu cầu và giải tỏa ách tắc”.

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc, Hà Nội đã thống nhất lựa chọn vị trí đặt nhà ga C9 ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, đoạn trước Tổng Công ty Điện lực Hà Nội sau quá trình nghiên cứu thận trọng và lâu dài. Đồng thời, được sự thống nhất ý kiến của rất nhiều cơ quan, đơn vị, bộ ngành liên quan và phù hợp với các quy hoạch và hướng tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Chưa chốt phương án đặt lối lên xuống

Trước ý kiến phản đối của nhiều chuyên gia, ông Lưu Xuân Hùng cho biết phương án đặt hai cửa lên xuống của ga C9 vẫn chưa chốt và đang chờ ý kiến của Bộ VHTT&DL. Cụ thể, ga ngầm C9 có 4 lối lên xuống.

Lối thứ nhất nằm trong Tổng Công ty Điện lực Hà Nội. Lối thứ hai nằm trên phố Trần Nguyên Hãn, trong khuôn viên Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc. Lối thứ ba dự kiến đặt ở khu vệ sinh công cộng hiện có ở phía hồ Hoàn Kiếm (rộng khoảng 100 m2). Lối thứ tư nằm phía sau Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh (khu vực đền Bà Kiệu) - rộng khoảng 68 m2. Hai lối lên xuống thứ 3 và thứ 4 nằm trong khu vực bảo tồn di tích lịch sử quốc gia nên vẫn đang được cân nhắc.

Ông Hùng ho hay: “Chúng tôi xem xét cả vấn đề bảo tồn và phát triển một cách khoa học. Ví dụ lối lên xuống Bờ Hồ phải khó tính hơn các nơi khác về mặt thẩm mỹ, tác động cảnh quan ngoài công năng, các phần nhô lên mặt đất rất nhỏ, rất hạn chế để đảm bảo hài hòa. Đồng thời, công trình cũng sẽ không ảnh hưởng đến kết cấu ngầm của di tích”.

Nhà ga và các lối ra vào ga ngầm C9 thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2. Đây là tuyến đường sắt đô thị kết nối khu đô thị mới với khu vực đô thị trung tâm thành phố. Giai đoạn 1 của tuyến 2 (tổng chiều dài 11,5 km) đi qua các quận, huyện Từ Liêm, Tây Hồ, Cầu Giấy, Ba Đình và Hoàn Kiếm. Hệ thống nhà ga gồm: 3 ga trên cao (C1-C3 và cầu cạn, dài 2,6km), 7 ga ngầm (C4-C10 và hầm ngầm, dài 8,9km).