Giá cà phê chạm “đáy”
Từ khoảng năm 2011 trở về trước, thương hiệu cà phê Hướng Hóa nổi tiếng khắp thị trường trong và ngoài nước. Cây cà phê cho năng suất, chất lượng cao và đem về thu nhập cao cho bà con, góp phần xóa đói giảm nghèo cho hơn 8.000 hộ dân trên địa bàn. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, người dân không còn mặn mà với loài cây này nữa.
Năng suất, chất lượng cà phê Hướng Hóa sa sút khiến giá cả xuống thấp, đời sống nhân dân
khó khăn. N.V
Việc tái canh cây cà phê là cấp thiết, nhưng phải có bộ quy trình rõ ràng về kỹ thuật tái canh, quy trình chăm sóc nhằm đảm bảo việc tái canh thành công, từ đó ngân hàng mới dám cho vay vốn, hỗ trợ lãi suất. Nếu không có quy trình rõ ràng, trồng tái canh mà cà phê chết nhiều như hiện nay thì nông dân sẽ “chết”, ngân hàng cũng “chết” theo”. Ông Hồ Sỹ Trọng – Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Quảng Trị |
Ông Võ Văn Hưng – Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Trị cho biết, diện tích cà phê chè Arabica của huyện Hướng Hóa khoảng 4.627ha, năng suất cà phê nhân hàng năm đạt bình quân 17 tạ/ha, sản lượng 7.000 tấn nhân. Tuy nhiên, do có tới hơn 2.400ha đã già cỗi, trên 15 năm tuổi nên những năm gần đây, năng suất cà phê giảm rõ rệt. Cụ thể, năm 2015, năng suất cà phê bình quân toàn huyện chỉ đạt 13,6 tạ/ha, giảm 3,1 tạ/ha so với năm 2013; sản lượng cà phê chỉ còn 5.800 tấn, giảm 2.000 tấn so với năm 2013, chỉ đáp ứng 50% nhu cầu nguyên liệu của 14 nhà máy chế biến cà phê trên địa bàn.
Do năng suất giảm nên giá cà phê cũng giảm theo, từ 13.000 đồng/kg năm 2011, nay chỉ còn 3.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức giá chạm đáy, nông dân không đủ tiền thuê nhân công thu hái, chưa kể tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Vì vậy, nhiều chủ vườn để cà phê chín rụng chứ không thu hái, không đầu tư chăm sóc.
Theo Sở NNPTNT Quảng Trị, vì diện tích cà phê già cỗi tăng nhanh, cùng với việc sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cà phê chưa tuân thủ quy trình, chạy theo lợi nhuận trước mắt (cà phê chưa đủ độ chín, ngâm nước, tỷ lệ tạp chất cao…), dẫn đến sản phẩm cà phê Hướng Hóa dần bị mất uy tín và bị ép giá. Điều này tạo nên tâm lý thờ ơ, không quan tâm đến việc nâng cao chất lượng cây trồng của bà con nông dân.
Nguy cơ xóa sổ vựa cà phê?
Nhận thấy cây cà phê già cỗi, nhiều hộ dân ở Hướng Hóa đã tự đầu tư tái canh. Tính đến năm 2015, các xã trên địa bàn đã tái canh 300ha, tuy nhiên vì không nắm vững kỹ thuật, quy trình chuẩn nên nhiều diện tích tái canh sau 1-3 năm tỷ lệ chết lên đến 90%.
Để tái canh cà phê, Sở NNPTNT Quảng Trị đã lên phương án phân kỳ tái canh bình quân cho giai đoạn 2017 - 2025 với diện tích mỗi năm 200ha, song phương án này cũng vấp phải khó khăn vì thiếu nguồn vốn, quy trình chuẩn.
Ông Hồ Văn Cài – Chủ tịch Hội Cà phê Khe Sanh (Hướng Hóa) cho biết, 50% số người trồng cà phê là đồng bào Vân Kiều, Pa Kô. Nhiều năm nay cà phê rớt giá quá sâu, năng suất thấp khiến đời sống bà con vô cùng khó khăn. Hầu hết bà con không có vốn để tái canh, thậm chí còn đang mắc nợ ngân hàng. “Vì thế, bà con rất cần nhà nước hỗ trợ vốn, cho vay vốn lãi suất thấp để thực hiện tái canh cà phê, ổn định cuộc sống. Ngoài trồng cà phê, bà con ở đây cũng không biết làm gì để sống” – ông Cài nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thế Hùng – Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng (Hướng Hóa) cho biết thêm, hiện 1.700 hộ dân của xã đã nợ ngân hàng hơn 100 tỷ đồng, không thể vay tiếp. Trong khi đó, để tái canh 1ha cà phê cần 80 triệu đồng. Nếu không có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn để tái canh thì vựa cà phê Hướng Hóa sẽ có nguy cơ bị xóa sổ.
Ông Dave D’haeze – Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn về cây cà phê (Văn phòng đại diện châu Á -Thái Bình Dương) chia sẻ, nhiều nước trên thế giới tái canh cà phê liên tục, mỗi năm tái canh 1-2% diện tích theo kiểu cuốn chiếu để đảm bảo cà phê luôn trong độ tuổi tốt nhất. Việt Nam cũng cần có chính sách tái canh như thế. Theo ông Dave, muốn tái canh theo kiểu cuốn chiếu thì Quảng Trị cần thành lập vườn ươm cà phê tại địa phương để chủ động nguồn giống tốt, giá thành rẻ cung ứng cho nông dân.
Trưởng đại diện Tổ chức Chứng nhận cà phê toàn cầu UTZ – Certified Việt Nam - ông Nguyễn Văn Thiết cũng cho rằng, muốn tái canh cà phê hiệu quả, trước hết phải quan tâm cải tạo đất bằng cách tận dụng phế phẩm của chính cây cà phê, phân lợn, bò… để bón phân. Đặc biệt, Quảng Trị cần xây dựng quy trình kỹ thuật chuẩn để việc tái canh cà phê có hiệu quả. “Tôi chắc chắn khi cà phê chè được tái canh thành công, được chứng nhận chất lượng tốt thì sẽ bán đắt như tôm tươi, đời sống nhân dân được nâng cao” – ông Thiết nói.