Ngay khi lũ vừa xảy ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền đã trực tiếp đến thăm hỏi các gia đình nạn nhân và chỉ đạo các lực lượng chức năng khẩn trương tìm kiếm 5 người bị mất tích.
Bỏ mạng vì măng
Trưa 15.9, chúng tôi tìm về làng Chiềng Cà 2 (xã Thanh Quân, Như Xuân, Thanh Hóa) để chia sẻ với người dân nơi đây về những mất mát, đau thương. Một không khí tang thương, buồn đau phủ khắp từ đầu làng. Nhóm thanh niên trai tráng ở làng đang xúm vào khiêng những chiếc quan tài bằng thân cây gỗ lớn. Mấy đứa trẻ con thì đứng ngơ ngác nhìn người lạ từ nơi khác đến đây.
Ông Lục Văn Vớ (53 tuổi), nhà ở làng Chiềng Cà 1 (giáp với Chiềng Cà 2) cho biết: “Khi nhận được tin nhiều người chết và mất tích khi bị lũ cuốn trong lúc đi hái măng rừng, ai cũng hoảng hốt. Thương nhất là những người đang còn mất tích đều là phụ nữ. Từ nhỏ đến giờ, tôi chưa chứng kiến cảnh tang thương nào mà có nhiều người chết và mất tích như lần này. Hai người chết đã đưa được xác về, còn những người đang mất tích ấy, bà con ai cũng cầu mong sớm tìm được họ”.
Chị Vi Thị Di ở làng Chiềng Cà 2, người thoát chết trong trận lũ
đang được con gái chăm sóc ở nhà. ảnh: Hồng Đức
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Vi Thị Di (38 tuổi), người thoát chết trong gang tấc trong trận lũ kinh hoàng vừa qua. Khi chúng tôi đến, chị Di không thể ngồi dậy được, dường như tinh thần của chị chưa được ổn định. Nằm trên giường, chị Di cố gắng kể cho chúng tôi nghe giây phút sinh tử vừa xảy ra: “Ngày 12.9, nhóm chúng tôi có 4 người rủ nhau đi lấy măng, nên cùng ở chung một lán. Rạng sáng 14.9, khi mọi người đang ngủ, bỗng nghe tiếng ầm ầm từ phía trên rừng dội xuống. Mọi người chưa ai kịp hiểu chuyện gì đã thấy nước ập vào từ tứ phía. Tôi và chú Ú, anh Đông co cẳng chạy thục mạng lên phía đồi cao. Tôi chỉ kịp nghe tiếng của thím Doan gào thét rồi mất tích. Chúng tôi đứng dưới trời mưa, chờ cho trời sáng rồi đi tìm thím Doan, nhưng không thấy. Cùng thời điểm nước lũ cuốn trôi lán và người của nhóm tôi, 2 chiếc lán khác dựng cách xa chúng tôi cũng bị lũ cuốn…”.
Thắt lòng người ở lại
Sau khi sự việc xảy ra, huyện đã huy động hàng trăm người tham gia tìm kiếm cứu nạn. Lãnh đạo tỉnh cũng chỉ đạo lực lượng tìm kiếm cứu nạn bằng mọi biện pháp, với những nỗ lực cao nhất phải tìm cho được các nạn nhân. Trước mắt, lãnh đạo các cấp cũng đã thăm hỏi, động viên, đồng thời hỗ trợ các gia đình có người gặp nạn một phần kinh phí, để bà con vượt qua lúc khó khăn này”. |
Cùng xóm với nhà chị Di là gia đình ông Vi Văn Ú (chồng bà Doan). Khi chúng tôi đến thăm, trên chiếc phản giữa nhà đặt một chiếc mâm nhôm đựng 2 bát hương cho người đã khuất, khiến ai cũng xót xa.
Ông Ú là con rể của 2 cụ Vi Đình Chấn (82 tuổi) và Lang Thị Biển (79 tuổi). Vì vợ chồng cụ Chấn không có con trai, nên 2 cụ xin ông Ú về ở rể. Trong vụ mưa lũ vừa rồi, gia đình cụ Chấn có 4 người gặp nạn, gồm 2 người con gái, 1 cháu ngoại và 1 cháu họ. Cụ Chấn ngồi trên giường, với đôi mắt đờ đẫn. Còn cụ Biển, giọng lạc đi khi nói về gia cảnh: “Vợ chồng bà khổ lắm các con ơi. Do đói khổ, nên vợ chồng, chị em, chú cháu chúng nó phải vô rừng kiếm ăn. Ai ngờ, ông trời bắt tội, không biết hai thân già này còn sống được nữa hay không?” - cụ Biển than thở.
Ở làng Chiềng Cà 2, hầu hết các hộ dân đều nghèo khó. Cuộc sống đã khó khăn, cơ hàn, bỗng dưng mọi người lại phải chứng kiến cảnh tang thương, khiến cho lòng ai cũng se sắt. Mọi người dân ở đây ai cũng gác việc ra đồng, lên nương để xúm vào lo việc hậu sự cho những người đã khuất. Ai cũng nóng lòng, mong ngóng thông tin từ hiện trường vụ nạn báo về. Đến giữa giờ chiều 15.9, tiếng trống, chiêng đám tang đưa tiễn những người con của làng bị nạn, nghe mà não nề.