Dân Việt

Sự thật đằng sau áo dài dát vàng 6000 USD của Chí Anh

Anh Đào 17/09/2016 13:25 GMT+7
Nhà thiết kế áo dài nổi tiếng Đỗ Trịnh Hoài Nam lên tiếng về việc chiếc áo dài cưới của kiện tướng dancesport Chí Anh có giá 6.000 USD.

img

Chiếc áo dài dát vàng sang quý của kiện tướng dancesport Chí Anh 

Hôn lễ của kiện tướng dancesport Chí Anh và cô dâu Khánh Linh vừa diễn ra cách đây vài ngày tại Cung văn hóa Hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội). Đám cưới được tổ chức vô cùng hoành tráng, có sự góp mặt của dàn sao "khủng" thu hút sự chú ý lớn của dư luận. Đặc biệt, chiếc áo dài dát vàng trong lễ ăn hỏi của Chí Anh trị giá 6000 USD còn trở thành chủ đề bàn tán xôn xao khắp cộng đồng mạng.

Chia sẻ về điều này, "cha đẻ" của chiếc áo dài Đỗ Trịnh Hoài Nam cho hay, anh thiết kế theo đơn hàng riêng, không sản xuất đồng loạt nên giá cả sản xuất ra sẽ khác biệt những chiếc áo bình thường. Từ công đoạn thiết kế, cắt may tỉ mỉ, gia công bằng tay từng họa tiết, áp dụng công nghệ cao hàng tỷ đồng đều yêu cầu sự toàn tâm toàn ý của NTK. 

Anh Hoài Nam khẳng định: "Chỉ những khách hàng đã được sờ qua, mặc, sử dụng mới hiểu được giá trị thật sự của chiếc áo. Nhà thiết kế cho hay, giá cả của mỗi chiếc áo dài anh thiết kế đều được niêm yết rõ ràng ở cửa hàng. 

Khi thiết kế chiếc áo dài cho Chí Anh, giá tiền không phải là thứ Đỗ Trịnh Hoài Nam nghĩ đến đầu tiên. Nhà thiết kế có hơn 20 năm thương hiệu chia sẻ quan điểm: "Nếu thiết kế áo dài cho một người bình thường, trong một dịp bình thường thì giá cả của nó sẽ bình thường. Có những chiếc áo dài chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng tất cả chúng đều na ná giống nhau. Còn trong đời người có 3 việc lớn là tậu trâu - cưới vợ - xây nhà, diện áo dài cho những dịp này cần nhất là sự độc đáo, giá cả cũng sẽ khác."

Tôi thiết kế không chỉ để lấy tiền mà vì giá trị của áo dài Việt. Cũng ví như con ong không chỉ đi hút mật mà còn giúp thụ phấn. Tôi không nghĩ sẽ phải thiết kế một chiếc áo giá trị bao nhiêu tiền, mà ý nghĩ thiết kế phục vụ ai mới là quan trọng. Tôi làm mọi cách để tạo nên sự khác biệt, từ thêu tay, đến đính đá, quỳ vàng..."

img

Minh họa công nghệ quỳ vàng họa tiết rõ nét trên áo dài của NTK cho bộ sưu tập tại lễ hội áo dài tháng 10 giống như đã áp dụng trên áo dài của Chí Anh

NTK Hoài Nam cho biết, anh thiết kế áo dài hoàn toàn theo yêu cầu của kiện tướng dancesport: Chí Anh mong muốn sở hữu một chiếc áo vừa hiện đại, vừa truyền thống, mang hồn cốt dân tộc. Chiếc áo đó vừa có thể tôn lên sự xinh đẹp của cô dâu, khiến cô dâu tự hào về đấng lang quân của mình, vừa giúp chú rể sang trọng, lịch lãm lại không bị chìm. NTK khẳng định: "Đây là một bài toán khó."

"Tôi quyết định sử dụng màu đen cho áo dài của Chí Anh. Áo dài được trang trí những chữ hỷ kỳ công màu vàng, đồng điệu với váy, trang sức của cô dâu. Nó không còn là chiếc áo dài màu đen tang tóc theo quan niệm xưa.

Theo yêu cầu vừa hiện đại, vừa truyền thống, tôi đã thiết kế phần thân áo, tay áo theo form của áo vest, cứng cáp, khỏe khoắn. Phần tà áo, tôi cắt suông mềm mại theo phong cách của chiếc áo dài truyền thống."

Theo NTK Hoài Nam, để tăng thêm độ sang quý, độc đáo, anh đã quyết định dùng quỳ vàng để cắt các chữ song hỷ theo form chữ nhật. Công nghệ để dát được quỳ vàng lên áo dài không có nhiều người làm được và cũng rất ít được ứng dụng. Để hoàn thành chiếc áo, anh đã huy động tới 30 thợ làm việc liên tục trong 3 ngày. Những chữ song hỷ đều được cắt thủ công một cách hết sức tỷ mỷ, kỹ lưỡng, chỉ cần làm sai một ly cũng  phải bỏ cả một thân áo.

Đỗ Trịnh Hoài Nam khẳng định một lần nữa: "Áo được thiết kế riêng, đơn chiếc, không có chiếc thứ 2 nên giá của nó đương nhiên không thể giống như hàng sản xuất hàng loạt. Chiếc áo của Chí Anh không chỉ đắt bởi sự công phu mà còn bởi ý nghĩa của nó."

img

Cận cảnh phần cổ và vai áo dài của Chí Anh

Được biết, họa tiết trên chiếc áo dài "có một không hai" dành cho Chí Anh do Đỗ Trịnh Hoài Nam thiết kế được dát vàng bằng loại công nghệ cao, được đầu tư nhiều tỷ đồng. Không chỉ vậy, anh còn đầu tư số tiền lớn cho các phần mềm thiết kế, in keo trước khi quỳ vàng, công nghệ cắt may, in ấn hiện đại. Việc tính thêm khấu hao máy móc cũng khiến giá thành bị đội lên. 

Đỗ Trịnh Hoài Nam chỉ rõ: "Những miếng dát vàng, quỳ vàng của tôi rất sắc nét - đó là điều tạo nên sự đặc biệt và khác biệt."

img

Trước khi quỳ vàng họa tiết cho áo dài của Chí Anh

Nhà thiết kế tỏ ra bức xúc khi đồng nghiệp chê bai tạo hình áo dài của anh "tây không ra tây, ta không ra ta". Đỗ Trịnh Hoài Nam mong muốn nhận được sự động viên, ủng hộ của đồng nghiệp khi dám làm điệu khác biệt, thay vì bị chê bai, chỉ trích thiếu tích cực. 

Anh chỉ rõ sự đặc biệt ở đây, Chí Anh là một kiện tướng dancesport - một người vô cùng hiện đại và mạnh mẽ, nên anh đã dùng form áo vest khỏe khoắn. Còn với yêu cầu vừa hiện đại, vừa có thể giữ được hồn cốt dân tộc, anh lựa chọn phối kết hợp giữa áo vest và áo dài nam truyền thống. 

Còn về ý kiến cho rằng áo dài của Đỗ Trịnh Hoài Nam "nhang nhác" áo dài của NTK Sỹ Hoàng, anh cho rằng không đúng. Anh đề cao công lao của Sỹ Hoàng dành cho áo dài Việt, nhưng thực chất áo dài đã có từ xa xưa, cả anh và Sỹ Hoàng đều lấy cảm hứng từ áo dài truyền thống của ông cha ta. Vì thế, nếu có một hai nét na ná cũng là điều dễ hiểu. 

Nhà thiết kế nhấn mạnh, nhiều nhà thiết kế còn chưa có cơ hội sờ thử hoặc diện thử áo dài do anh thiết kế nên họ chưa hiểu giá trị của những sản phẩm anh giành nhiều tâm huyết. Anh sẽ chứng minh bằng thực tế: "Lễ hội áo dài tháng 10 này được tổ chức tại Hoàng thành Thăng Long, tôi sẽ tiếp tục sử dụng công nghệ dát vàng. Thay vì nói tôi sẽ làm nên những sản phẩm đó, việc đầu tiên sẽ giúp cho những khách hàng, những người yêu thời trang có thể sử dụng những bộ áo dài còn những ai không có điều kiện sử dụng thì họ có thể biết thêm được những công nghệ mới, những văn hóa mới về áo dài."

img

img

img

Chiếc áo dài trong đám  hỏi của Chí Anh

Đỗ Trịnh Hoài Nam chia sẻ thêm, sau đám cưới, Chí Anh đã gửi lời cảm ơn tới anh đã giúp chú rể có một bộ trang phục ấn tượng. Bạn bè của Chí Anh thậm chí còn hỏi thăm địa chỉ để có thể tìm mua những chiếc áo dài như thế. 

Niềm vui của NTK là thấy được khách hàng mặc đẹp và yêu thích sản phẩm của mình. Anh nói: "Tôi đã đáp ứng được nhu cầu của Chí Anh là có 1 chiếc áo đủ sang, đủ đẹp và độc đáo để mặc trong 1 ngày trọng đại. Tôi làm ra sản phẩm và đã được mua. Chí Anh hài lòng với chiếc áo, đó mới là giá trị cao nhất của nó chứ không phải giá tiền".

Anh hy vọng những nhà thiết kế trẻ khi muốn tạo ra sản phẩm của riêng mình, hãy tạo ra tính duy nhất cho sản phẩm, để làm đẹp thâm cho áo dài và để bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn, yêu hơn tà áo dài Việt. 

img

Chí Anh đã gửi lời cảm ơn tới nhà thiết kế Hoài Nam sau đám cưới