Vào đêm qua (16.9) Bộ Công an đã chính thức phát lệnh truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Ông Thanh bị khởi tố và có lệnh bắt tạm giam để điều tra theo điều 165 Bộ luật hình sự, tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Do xác định ông Thanh đã bỏ trốn nên Bộ Công an phát lệnh truy nã.
Trên mạng xã hội cũng như một số nguồn tin chưa được kiểm chứng cho thấy ông Thanh hiện đã ra nước ngoài.
Vậy, việc bắt giữ ông này để đưa về Việt Nam xử lý cần phải tuân theo hiệp định quốc tế nào, các thủ tục tiến hành ra sao?
Nếu Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài việc dẫn độ sẽ không đơn giản. (Nguồn ảnh: internet)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt chiều nay, thiếu tướng Trần Thế Quân, Phó Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho biết: Để dẫn độ tội phạm đang trốn ở nước ngoài về xử lý, trước hết quốc gia đó phải ký hiệp định dẫn độ tội phạm với quốc gia được đề nghị dẫn độ. Trong trường hợp chưa có hiệp định dẫn độ song phương thì có thể theo điều ước đa phương về dẫn độ tội phạm mà hai nước cùng tham gia.
"Nói tóm lại, quốc gia này muốn dẫn độ tội phạm đang trốn ở quốc gia kia về xử lý thì hai nước phải theo một điều ước quốc tế mà hai bên là thành viên" - thiếu tướng Quân cho biết.
Cũng theo thiếu tướng Quân, trong thực tiễn, khi chưa có hiệp định về dẫn độ ở dạng song phương hay đa phương thì có thể thực hiện việc dẫn độ theo nguyên tắc "có đi có lại" giữa hai quốc gia.
Ví dụ, nước bạn đề nghị nước ta dẫn độ một trường hợp tội phạm nào đó đang trốn ở Việt Nam, chúng ta giúp họ, nay chúng ta muốn dẫn độ đối tượng phạm tội đang trốn ở nước bạn, chúng ta đề nghị, nước bạn sẽ giúp lại ta.
Vẫn theo thiếu tướng Quân, còn trường hợp nữa có thể dẫn độ tội phạm là giữa hai quốc gia có thỏa thuận cụ thể, theo trường hợp cụ thể.
Việc dẫn độ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ có những trường hợp do các yếu tố chính trị, quốc gia được đề nghị họ không đồng ý dẫn độ, mặc dù có hiệp định. Yếu tố nữa là vấn đề quốc tịch. Ví dụ đối tượng người nước ngoài có quốc tịch Việt Nam, đang ở Việt Nam thì chúng ta không bao giờ dẫn độ công dân của mình cho nước khác, mặc dù người này vi phạm pháp luật ở nước khác.
Tài liệu chứng cứ phạm tội cũng là một yếu tố, ví dụ bên nước cần dẫn độ có cung cấp đủ chứng cứ để xác định hành vi phạm tội của người đang trốn để tiến hành dẫn độ hay không?
"Việc thực hiện dẫn độ rất phức tạp bởi nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chẳng hạn có những nước quy định tội danh đó không tử hình, nhưng theo pháp luật của chúng ta tội danh người đó phạm phải có hình phạt tử hình thì hai bên phải thống nhất với nhau: Chúng tôi dẫn độ người đó về cho anh, nhưng anh không được áp dụng hình phạt tử hình với họ" - thiếu tướng Quân giải thích.
Tướng Quân cũng thừa nhận trường hợp như ông Trịnh Xuân Thanh, nếu đúng là đã trốn ra nước ngoài mà chúng ta muốn dẫn độ về để xử lý thì không hề đơn giản.
Theo thiếu tướng Quân, thời gian qua Việt Nam đã ký hiệp định dẫn độ với một số quốc gia, bên cạnh đó là quan hệ truyền thống giữa các quốc gia trước đây. Với các nước chúng ta có quan hệ truyền thống cũng sẽ ký hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ chung nhau.
Còn xu hướng hiện nay là tách ra, nghĩa là việc dẫn độ riêng, hỗ trợ tư pháp riêng, chuyển giao người bị kết án phạt tù riêng.
"Quá trình đàm phán về dẫn độ cũng phức tạp, lâu dài" - thiếu tướng Quân nhấn mạnh.
Theo tài liệu năm 2013, Hiệp định quốc tế hiện hành về tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với các nước đều có các điều khoản về dẫn độ. Chúng ta có 12 Hiệp định có các điều khoản về dẫn độ, 4 Hiệp định về dẫn độ với Hàn Quốc, An-giê-ri, Ấn Độ, Australia. |