Cuộc đối thoại giữa đại diện trẻ em VN và các nhà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại diện bộ, ban ngành “nóng” ngay từ câu hỏi đầu tiên. Em Thanh Lý (Quảng Ngãi) khẩn thiết: “Ai là người bảo vệ chúng con khi bị chính người thân trong gia đình ngược đãi?”.
Em Mai Thi (Quảng Ninh) đau đáu: “Nhiều TE bị đuối nước khi phải vượt sông đi học bằng những phương tiện giao thông thô sơ, cũ kỹ. Nhưng tại sao chính quyền cứ phải “đợi” đến lúc có TE đuối nước mới làm cầu?”.
Trả lời một số câu hỏi của các em, ông Doãn Hồ Điệp – Thứ trưởng Bộ LĐ, TB& xã hội khẳng định: “Đúng như phản ánh của các em, tình trạng xâm hại, bạo lực với TE ngày càng gia tăng. Chính vì vậy, Chính phủ và các Bộ ban ngành đã ra nhiều Chính sách, Chỉ thị nhằm phòng ngừa, ngăn chặn và loại trừ sự xâm hại, ngược đãi và lao động nặng với TE.
Về phía Bộ LĐ, TB&XH cũng đã xây dựng Chương trình quốc gia về bảo vệ TE từ 2011-2015; hướng dẫn cho cán bộ xã phường quy trình can thiệp khi phát hiện TE bị ngược đãi; xây dựng Chương trình Quốc gia loại trừ lao động TE trong mọi môi trường độc hại nguy hiểm để cố gắng giảm thiểu… Vì thế, trong tương lai, TE sẽ có nhiều “công cụ” để được chăm sóc và bảo vệ.
Diễn đàn TE Quốc gia 2011 đề cao vai trò của TE trong việc xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện cho chính mình và bạn bè. Bà Thanh Thanh - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền TE Việt Nam trao đổi: “Khi cha mẹ không lắng nghe, không chia sẻ, các em cần phải là người chủ động để xuất nguyện vọng và yêu cầu của mình. Còn nếu bị ngược đãi, các em nên chủ động tránh né đi chỗ khác để tạm thời không bị đánh, sau đó chủ động tìm người để phản ánh xin giúp đỡ (họ hàng, ông bà), cuối cùng mới đi báo chính quyền, đại diện các ban ngành ở địa phương”.
Diệu Linh