Thông tin từ Bệnh viện Quận 2 TP.HCM cho biết, Bệnh viện vừa tiếp nhận xử trí cho một trường hợp tự nuốt dây kẽm suýt chết.
Bệnh nhân Nguyễn Trung Q. (29 tuổi ngụ tại Bình trị Đông, Quận Bình Tân) nhập viện trong tình trạng có dị vật trong đường tiêu hóa.
Bệnh nhân đang dần hồi phục sau khi được lấy dị vật ra
Ngay lập tức, bệnh nhân được chụp X quang bụng và phát hiện hình ảnh cản quang dạng “X” ở ¼ trên phải vùng bụng. Bệnh nhân được nội soi dạ dày tá tràng và phát hiện có 2 cọng dây kẽm được cột dây thun bắt chéo, 2 đầu cắm vào niêm mạc dạ dày.
Xác định không thể lấy được trực tiếp qua nội soi, các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật để lấy dị vật.
Bệnh nhân được phẫu thuật mở dạ dày lấy ra được 2 đoạn dây kẽm 3mm, dài 8cm.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Quận 2, dị vật đường tiêu hóa là những vật do vô tình hay cố ý nuốt phải. Đa số các dị vật (80-90%) có thể tự thoát ra ngoài theo đường tự nhiên mà không cần can thiệp, còn lại khoảng 10% - 20% các trường hợp cần phải can thiệp không phẫu thuật và khoảng 1% trường hợp cần phải phẫu thuật.
Phim X quang bụng và phát hiện hình ảnh cản quang dạng “X” ở ¼ trên phải vùng bụng
Các trường hợp dị vật không tự thoát được có thể gây ra các biến chứng tắc nghẽn, tổn thương ống tiêu như loét, xuất huyết tiêu hóa, thủng thực quản, áp - xe trung thất... nếu không được can thiệp kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nặng và tử vong.
Bệnh nhân được phẫu thuật mở dạ dày lấy ra được 2 đoạn dây kẽm 3mm, dài 8cm
Các loại dị vật của đường tiêu hóa rất đa dạng, song các nhà chuyên môn phân chúng làm 3 loại chính: dị vật hay gặp nhất như xương cá, tăm tre, kim băng, cúc áo, cục pin, đồ chơi...; dị vật là thức ăn chưa được nhai kỹ như cục thịt, cục măng khô, búi rau, trái cây...; dị vật dạng cục bã thức ăn được tạo bởi bã, xơ thực vật, có thể kết hợp cả lông, tóc, hạt trái cây... với chất nhầy của dạ dày.
Tỷ lệ tử vong do các biến chứng của dị vật gây nên là rất lớn. Tiên lượng và kết quả điều trị phụ thuộc vào tính chất của dị vật và thời gian xử trí sớm hay muộn.