Dân Việt

Từ vụ thủy điện Sông Bung 2: “Bom nước” thủy điện đe dọa miền Trung

Đình Thiên 19/09/2016 06:20 GMT+7
Bao năm qua, hàng chục thủy điện bậc thang chằng chịt đã và đang triển khai trên thượng nguồn các dòng sông ở miền Trung khiến vùng hạ du chịu không biết bao hệ lụy. Sự cố vỡ ống dẫn dòng Thủy điện Sông Bung 2 ở Quảng Nam một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đã đến lúc cần siết chặt hơn nữa quản lý hệ thống thủy điện thượng nguồn.

Không xa dưới chân đập Thủy điện Sông Bung 2, thôn Plan, Pà Oi (xã Lae, huyện Nam Giang, Quảng Nam) tan hoang xơ xác, hàng chục người dân đang sống trong cảnh màn trời chiếu đất…

Cầm hơi với 10kg gạo

img

Dòng sông Bung đã chuyển dòng, đất trồng hoa màu của người dânbị trôi theo dòng nước.  
Ảnh: Đình Thiên

Từ khi Thủy điện Sông Bung 2 bắt đầu xây dựng, xã chúng tôi chỉ biết họ làm đập trên đó chứ chưa khi nào được biết họ tích nước, tích bao nhiêu. Hay nhận được cảnh báo gì của họ cả”. 

Ông Zơ Râm Huân
- Chủ tịch UBND xã Lae

Đến nay, đã gần 1 tuần từ khi sự cố xảy ra, dưới chân đập Thủy điện sông Bung 2, cơ quan chức năng cùng người thân tiếp tục cày xới dòng sông Bung để tìm kiếm thi thể 1 công nhân lái máy xúc còn lại bị dòng nước dữ bục ra từ hồ chứa sông Bung 2 cuốn đi. Trong khi đó, dù may không mất mạng, nhưng hàng chục người dân sống dưới chân thủy điện này đang phải sống cảnh màn trời chiếu đất.

Thả xe một lèo như trên đỉnh xuống đáy, tới nơi, trước mắt chúng tôi quang cảnh tại thôn Plan và thôn Pà Oi giống như vừa qua trận càn quét lịch sử. Hai bên bờ sông, những khoảnh đất trồng hoa màu của người dân bị sạt lở nham nhở, những cây gỗ đường kính to hai người ôm không hết còn nguyên gốc tươi non nằm vắt vẻo sát con đường bê tông độc đạo đi vào 2 thôn này. Anh A Lăng Ní (thôn Plan) cho biết, dòng sông qua 2 thôn Plan và Pà Oi ngày trước chỉ rộng khoảng 10m và chảy ở phía bên kia, nhưng nay đã chuyển sang chảy sát chân nhà của người dân sau chỉ 1 đêm.

“Trâu bò, gỗ, hoa màu, keo lai sắp thu hoạch của người dân bị dòng nước cuốn đi hết chỉ trong ít giờ. Khoảng đất trồng màu ven sông rộng 20m của dân bị nước cuốn đi hơn 15m rồi. Bà con không còn đất để trồng hoa màu nữa rồi” - A Lăng Ní than thở. Cả gia đình nội ngoại của chị  Pờ Lang Hoa (thôn Pà Oi) đang cố nhặt nhạnh những vật dụng còn sót lại sau khi ngôi nhà bị dòng nước bục ra từ đập Thủy điện Sông Bung 2 cuốn phăng.

img

Chị Pờ Lang Hoa tìm trong đống bùn đất vài vật dụng sót lại. Ảnh: Đ.T

Mất hết cả rồi, mùa mưa đến rồi, lấy gì mà ăn. Ông làm thủy điện ông lấy tiền, dân tui có được hưởng gì đâu mà phải chịu cảnh này. Lần này không chết cũng may, lần sau nữa thì sao. Cán bộ có quản lý được họ không?”.

Anh A Lăng Giang

Chưa hết kinh hoàng, chị Hoa nức nở: “Tôi đang nấu cơm để chuẩn bị đưa lên Bệnh xá Đoàn kinh tế Quốc phòng 207 cho 2 đứa con đang bị đau nằm chữa ở đây thì nghe tiếng ầm ầm từ bốn phía. Không kịp di dời gì, 2 vợ chồng chạy bán mạng lên chỗ đất cao. Nhìn lại chỉ thấy dòng nước đen cuốn bay cả nhà. Chỉ chậm một chút, vợ chồng em chết rồi”. Chị Hoa cũng cho biết, 2 ngày sau khi sự cố xảy ra, Ban quản lý Thủy điện Sông Bung 2 cử người xuống đưa cho gia đình chị  2 triệu đồng, 1 bao gạo 10kg với 1 thùng mì tôm. Chị Hoa bảo, họ đưa phong bì tiền, nói mua gì thì mua, gạo, mì tôm ăn đỡ. “Tài sản không còn gì cả, Ban quản lý đưa chừng này tiền thì chỉ đủ mua mắm muối ăn qua ngày. Bởi vậy cả nhà em gắng tìm lại được vật dụng gì quý vật đó anh à” - rơm rớm nước mắt chị Hoa nói.

Thoát án tử trong gang tấc

img

Hai vợ chồng anh A Lăng Giang không biết thời gian tới sồng nhờ vào đâu khi nhà đã mất, đất cũng chẳng còn.  Ảnh: Đình Thiên

Cạnh bên nhà chị Hoa, gia đình anh A Lăng Giang và vợ Hiên Thị Cai cùng chung cảnh màn trời chiếu đất như nhà chị Hoa, nhưng cả hai vợ chồng mệt mỏi tựa vào tấm ván cửa bằng gỗ còn sót lại dựng vào gốc cây ven đường. Nói không thành hơi, anh Giang thều thào: “Mất hết cả rồi, mùa mưa đến rồi, lấy gì mà ăn. Ông làm thủy điện ông lấy tiền, dân tui có được hưởng gì đâu mà phải chịu cảnh này. Lần này không chết cũng may, lần sau nữa thì sao. Cán bộ có quản lý được họ không?”.

Còn vợ chồng anh Nguyễn Văn Hơn và chị Nguyễn Diệu (trú xã Đại Quang, Đại Lộc) ánh mắt còn in hằn nỗi hoảng sợ.  Anh Hơn kể: “Vợ chồng tui từ Đại Lộc lên đây dựng cái lán nhỏ cách đập Thủy điện Sông Bung 2 khoảng 200m để làm cá và bứt mây. Chiều đó, khi tui cùng vợ đang nấu cơm thì nước ở đâu đổ về. Nhanh chân hai vợ chồng tui chạy lên chỗ cao. Phía sau cũng thấy mấy thanh niên vừa chạy vừa hét. Một đứa bị đuối, chúng tôi lấy dây rừng ném xuống và kéo lên. Nhìn lại thấy dòng nước ầm ầm quét lở hết đất đá, cây cối ven sông”.

“Do quá hoảng loạn, chạy được một đoạn tui không thấy vợ và mấy thanh niên đâu cả. Đêm đó tui ngủ trong rừng, tới rạng sáng công an huyện tìm thấy và đưa về thôn Pà Oi. Nhưng mãi đến chiều hôm sau vợ tui cũng không thấy đâu cả, tui lo quá. Đến tối, bên huyện đội liên lạc được vợ tui và một nhóm người khác đưa về, tui mừng hết biết… Không chết là may rồi, còn nhiều người khác lên đây dựng lán bên sông không biết ra sao?” - anh Hơn cho biết thêm.

Sợ hãi dưới quả “bom nước”

Ông Zơ Râm Huân - Chủ tịch UBND xã Lae cho biết: “Từ khi Thủy điện Sông Bung 2 bắt đầu xây dựng, xã chúng tôi chỉ biết họ làm đập trên đó chứ chưa khi nào được biết họ tích nước, tích bao nhiêu, hay nhận được cảnh báo gì của họ cả”. Ông Huân còn cho hay, sự cố đã xảy ra nhiều ngày, nhưng một số người dân vẫn chưa trở về thôn.

“Người dân của xã chưa từng chứng kiến cảnh này nên rất hoảng sợ. Họ cứ nghĩ vỡ đập nên di dời lên núi hết cả. Một số người sau khi được giải thích đã quay trở về, nhưng còn nhiều người đang nghi ngờ. Xã đang tiếp tục cử cán bộ giải thích rõ cho họ. Buổi sáng, người của Ban quản lý Thủy điện Sông Bung 2 xuống trao ít tiền, gạo và mì tôm cho 3 hộ bị cuốn mất nhà và tài sản. Sau khi cán bộ về, những hộ này tỏ ra không hài lòng và họ yêu cầu xã chuyển chỗ ở khác cho họ. Chúng tôi đã thuyết phục, nhưng lòng họ vẫn chưa an” - ông Huân cho biết thêm.

Anh Zơ Râm Thất (cán bộ xã Lae, huyện Nam Giang, Quảng Nam) thông tin thêm: “Người dân chưa an tâm sống ở chỗ cũ vì 5 năm nay từ khi thủy điện được xây dựng, cuộc sống của người dân ở thôn Plan và Pà Oi không tốt hơn mà xấu đi. Diện tích canh tác ngày càng thu hẹp lại, con cá, con tôm dưới sông vốn là thức ăn chính của người dân ngày càng hiếm. Vụ vỡ đập đã làm cho người dân cứ lo “quả bom nước” đang ở trên đầu thì làm sao an tâm mà sống”.