Cao nguyên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn của Hà Giang được UNESCO công nhận vào tháng 10/2010 có diện tích trên 2.356 km2 và được trải dài trên 4 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ.
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi sinh sống của 17 dân tộc thiểu số (chủ yếu là dân tộc Mông, Na Chí, Pu Péo, Sán Dìu, Lô Lô, Hoa, Nùng, Giấy...). Hiện nay 4 huyện vùng Cao nguyên đá của Hà Giang nằm trong diện huyện nghèo được thụ hưởng các chính sách theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Cây hoa tam giác mạch được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên đá gieo trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực.
Cánh đồng hoa tam giác mạch.
Ngoài ra, hoa của cây tam giác mạch có vẻ đẹp tinh khôi có sức hấp dẫn du khách trong và ngoài nước (từ mầu trắng đến phớt hồng, hồng đậm hay hồng tím). Trong năm 2015, tỉnh Hà Giang đã triển khai trồng trên 526 ha cây hoa tam giác mạch tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá và đã tổ chức thành công Lễ hội Hoa tam giác mạch (từ 12- 15/11/2015) đã thu hút gần 2.000 lượt khách du lịch trong nước và quốc tế tham dự.
Trong năm 2016, Hà Giang đang triển khai trồng trên 800 ha cây tam giác mạch nhằm phục vụ cho Lễ hội Hoa tam giác mạch lần thứ hai, dự định sẽ diễn ra vào trung tuần tuần tháng 10 tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc. Vì vậy, cây hoa tam giác mạch đang trở thành cây trồng thế mạnh trong chiến lược phát triển du lịch của Hà Giang và mang lại nguồn thu nhập khá lớn cho người dân địa phương.
Trước đây, số diện tích đất canh tác của đồng bào 4 huyện vùng Cao nguyên đá chủ yếu để trồng ngô một hoặc hai vụ trong năm, năng suất đạt bình quân từ 4,0 - 5,0 tấn/ha tương đương với thu nhập từ 18 - 22 triệu đồng/ha, sau khi trừ các khoản chi phí (giống, phân bón, công lao động.....) còn thu về khoảng từ 8 - 10 triệu đồng/ha trong thời gian từ 4 đến 5 tháng.
Trong năm 2015, thực hiện chủ trương của tỉnh, các cấp chính quyền cơ sở tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá đã vận động nhân dân gieo trồng cây hoa tam giác mạch để làm cảnh quan du lịch và được hỗ trợ về giống, phân bón.
Do làm tốt công tác chăm bón nên các diện tích tam giác mạch cũng sinh trưởng tốt và cho hoa đẹp hơn bình thường. Trong dịp diễn ra lễ hội Hoa tam giác mạch vào tháng 11/2015, tỉnh Hà Giang đã thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch đến thăm quan, chụp ảnh, với mức thu bình quân 10 nghìn đồng/khách. Trung bình mỗi ngày một vườn hoa tam giác mạch thu về từ 2 - 2,5 triệu đồng, cá biệt có ngày đông khách có vườn thu về trên 5 triệu đồng.
Chị Đặng Thị Sâm, xã Quyết Tiến huyện Quản Bạ (Hà Giang) cho biết: Cây hoa tam giác mạch rất dễ trồng, chỉ cần vãi hạt là cây lên được, không phải tốn công chăm sóc và hầu như không bị sâu bệnh phá hoại nhưng lại cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây ngô; trong khi đó lại được địa phương hỗ trợ về giống và phân bón. Lượng khách du lịch năm nay tăng hơn nhiều so với những năm trước nên thu nhập từ hoa tam giác mạch cũng khá lớn, có ngày thu được trên 4,0 triệu đồng.
Ngoài gia đình chị Đặng Thị Sâm ở huyện Quản Bạ, còn có hàng trăm hộ gia đình tại các xã trồng hoa tam giác mạch của huyện Đồng Văn, Yên Minh và Mèo Vạc có nguồn thu bình quân mỗi ngày từ 1,7 đến 2,0 triệu đồng.
Bên cạnh việc phục vụ du lịch cho du khách đến tham quan chụp ảnh, hạt của cây tam giác mạch còn được dùng làm bánh và sản xuất kẹo. Ngoài ra, hạt của cây tam giác mạch còn được xay nhỏ và phối trợn với bột ngô để làm rượu và loại rượu nấu từ bột tam giác mạch đã trở thành đặc sản của vùng cao nguyên đá.
Vì vậy, cây hoa tam giác mạch không chỉ tạo vẻ đẹp trong cảnh quan du lịch và là cây lương thực lâu đời của đồng bào 4 huyện vùng cao nguyên đá mà nó đã thực sự trở thành cây trồng thế mạnh mang lại nguồn thu nhập cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc trên vùng cao nguyên đá của Hà Giang.