Như một gia đình
Có mặt tại khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu (Sơn La) vào đúng thời điểm bệnh viện đang tiếp nhận một bệnh nhân tự tử bằng lá ngón, được gia đình đưa tới. Nạn nhân là nữ, khuôn mặt tái mét, hơi thở yếu ớt. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào điều trị cấp tốc. Không chỉ có các bác sỹ, y tá có nét mặt căng thẳng mà ngay cả các điều dưỡng viên cũng có những bước chân vội vã hơn. Họ vừa sốt sắng phục vụ cho công tác cấp cứu vừa chuẩn bị giường bệnh để đón tiếp bệnh nhân. Chừng nửa tiếng sau, bệnh nhân được đưa lại phòng nằm điều trị bởi “đã qua cơn nguy kịch”.
Tiếp xúc với người nhà bệnh nhân – anh Lý A Va, được biết nạn nhân và gia đình không phải người Vịệt Nam, họ là dân tộc Mông, mang quốc tịch Lào, sống tại huyện Sốp Bâu – bên kia biên giới. “Sáng nay, Lý Thị Số (nạn nhân) cãi nhau với gia đình và quay sang ăn lá ngón tự tử. Thấy tình trạng của Số nguy cấp quá, gia đình chúng tôi bàn bạc và thấy rằng tin tưởng ở bệnh viện Mộc Châu hơn nên dù xa xôi chúng tôi vẫn quyết đưa Số đến đây nhờ vả. Thật may là chúng tôi đã được bệnh viện tiếp nhận và cấp cứu kịp thời. Nhiều người bên nước chúng tôi đã sang điều trị ở bệnh viện này nên chúng tôi đã được nghe nói nhiều về tình thương và trách nhiệm cao của bệnh viện Mộc Châu…”
Nằm ngay cạnh giường của chị Số là giường của bệnh nhân Vì Thị Quyết, 16 tuổi – nạn nhân trong một vụ tự tử bằng thuốc diệt cỏ và đã được các y, bác sỹ bệnh viện Mộc Châu cứu chữa kịp thời nên sức khỏe đang hồi phục. Rớm rớm nước mắt, Quyết bảo: “Cháu dại quá, lúc bị bố mẹ mắng đã lấy thuốc diệt cỏ ra uống. Khi người quay cuồng, nôn mửa thì bố, mẹ cháu đưa xuống bệnh viện này cấp cứu. Sau 5 ngày điều trị, bây giờ cháu đã ăn, uống tốt, đi lại bình thường, đang chờ xuất viện. Cháu rất biết ơn các y, bác sỹ ở đây”.
Nói về bệnh viện Mộc Châu, chị Lường Thị Tuấn – mẹ cháu Quyết, bảo: Bệnh viện đã sinh ra con gái tôi một lần nữa đấy. Nếu không có tấm lòng rộng mở và tay nghề cao thì chắc bây giờ con tôi đã nằm dưới mộ rồi. Tuy không phải người ở địa bàn này nhưng nhiều người dân ở chỗ chúng tôi khi bị ốm đau, nguy kịch vẫn tìm về với bệnh viện Mộc Châu vì tình người nơi đây ấm áp lắm. Các y, bác sỹ chăm sóc người bệnh như người nhà của mình”
Chúng tôi luôn quan tâm đến y đức
Cùng bác sỹ Phạm Thị Hường, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu đi thăm các phòng bệnh nhân nằm điều trị, nhận thấy các phòng bệnh ở đây dù phần lớn bệnh nhân là nông dân, có cả những người không biết chữ, không thạo tiếng phổ thông, số lượng bệnh nhân nhiều nhưng không gian luôn sạch sẽ, thoáng mát. Bác sỹ Hường bảo: Với ngành y, tay nghề cao là rất đáng trân trọng. Nhưng bên cạnh đó thì văn hóa ứng xử cùng giống như một liều thuốc kháng sinh, nó có thể làm bệnh nhân ốm thêm nếu sử dụng không đúng lúc, đúng chỗ. Ngược lại, nếu ứng xử tốt thì đó là liều thuốc bổ với người bệnh cũng như người nhà bệnh nhân. Môi trường phòng bệnh cũng vậy, nếu không sạch sẽ, thoáng mát, đủ ánh sáng cần thiết thì cũng sẽ tạo nên những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe bệnh nhân. Tôi và người nhà đã 5 lần nằm viện ở đây nhưng chưa một lần bị mắng mở hay vòi vĩnh phong bì, tiền nong nên cả bán cứ bảo nhau: Có ốm đau gì, cứ đến bệnh viện Mộc Châu mà điều trị
Bệnh nhân Vì Thị An, trú tại xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, bảo rằng: Tuy bệnh viện đồng người nhưng Bệnh viện ở đây còn sạch hơn nhiều so với ở nhà tôi. Hàng ngày tôi thấy cán bộ bệnh viện quét dọn, lau chùi rất kỹ. Người dân tộc chúng tôi khi vào viện thường có thói quen ăn, ở không sạch sẽ, lôi thôi, luộm thuộm nhưng khi vào đây là được các điều dưỡng viên, cán bộ bệnh viện nhắc nhở, hướng dẫn ngay. Đặc biệt là sự hướng dẫn của họ rất nhẹ nhàng chứ không hề quát tháo, mắng mỏ như một số nơi khác. Ngay cả cán bộ trưởng, phó khoa, khi đi kiểm tra, nếu thấy nền nhà, hàng lang bẩn thì vẫn cầm chổi lau ngay chứ không bỏ qua như một số nơi khác mà tôi từng nằm điều trị.
Trao đổi với bác sỹ Khuất Thanh Bình, Phó giám đốc bệnh viện, anh bảo: Làm nghề y là nghề phải có chữ Nhẫn song cùng chữ Trí, chữ Tài. Ở bệnh viện này, bao năm qua chúng tôi luôn chú trọng y đức như một thương hiệu. Song song với việc đào tạo cán bộ có tay nghề cao, mua sắm các trang thiết bị hiện đại, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân các dân tộc thì văn hóa ứng xử là một tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ, đánh giá chất lượng bệnh viện. Ứng xứ của chúng tôi là cả trong lời nói và việc làm. Mọi người giám sát lẫn nhau, bổ sung, hỗ trợ cho nhau, điều chỉnh lẫn nhau. Chính nhờ thế nên nhiều năm qua, bệnh viện chúng tôi luôn là đơn vị dẫn đầu trong tốp các bệnh viện của tỉnh Sơn La và là một trong những đơn vị giữ vững danh hiệu “Đơn vị văn hóa”.