Dân Việt

Minh bạch tài sản: Phải công khai đến tận cơ sở

11/08/2011 09:00 GMT+7
(Dân Việt) - "Nếu không có cơ chế, chế tài đủ mạnh thì tôi cho rằng việc kê khai cũng chỉ để kê khai", ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. Hồ Chí Minh nói.

Ngày 8.8, Chính phủ ban hành Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37 ngày 9.3.2007 về minh bạch tài sản, thu nhập, trong đó bổ sung quy định công khai bản kê khai tài sản thu nhập của cán bộ, công chức. Xung quanh vấn đề này, phóng viên đã trao đổi với ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ TP. Hồ Chí Minh.

Thưa ông, việc sửa đổi, bổ sung thêm một số quy định về kê khai tài sản của cán bộ, công chức có phải chứng tỏ Chính phủ đang quyết liệt hơn trong công tác chống tham nhũng hay không?

- Cho dù nghị định mới được sửa đổi có bổ sung thêm nhiều quy định cụ thể hơn, thể hiện sự nghiêm khắc hơn so với nghị định trước nhưng tôi cho rằng vẫn chưa chạm đến cốt lõi của vấn đề. Vì sao lại nói vậy? Là bởi sao chúng ta không công khai cho dân biết mà lại chỉ công khai, niêm yết tại cơ quan, đơn vị. Lâu nay có tình trạng trong cơ quan thì sợ thủ trưởng. Có một số nơi đã công khai từ trước khi nghị định mới quy định, nhưng không hiệu quả bởi tổ chức công đoàn, thanh niên… cũng bị chi phối bởi thủ trưởng cơ quan.

img
Theo ông Lê Hiếu Đằng, phải có chế tài đủ mạnh thì cán bộ, công chức mới kê khai tài sản trung thực (ảnh minh hoạ).

Lâu nay việc kê khai vẫn bị cho là hình thức vì khó tiếp cận nội dung bản kê khai, vậy với những quy định bổ sung trong lần sửa đổi này như công bố bản kê khai tại cơ quan và cuộc họp, ông có đánh giá là sẽ tránh được yếu tố hình thức hay không?

img
Ông Lê Hiếu Đằng

- Thực ra một trong những điều quan trọng mà trong nghị định mới chưa được đề cập đến, đó là phải công khai cho dân biết. Chẳng hạn như ở Nga, hay Hàn Quốc… người ta đều đã thực hiện như thế. Ý nghĩa của việc kê khai, minh bạch tài sản là để người dân biết và giám sát. Chúng ta không nên coi đây là vấn đề đời tư bởi vì khi đã là cán bộ, công chức thì đời sống của họ phải để cho dân giám sát.

Việc cách chức, hạ chức đối với cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo được cho là việc làm không đơn giản. Vậy ông có cho rằng với những quy định như trong nghị định mới sửa đổi, sẽ là cơ sở để buộc các cá nhân kê khai phải trung thực hay không?

- Vấn đề theo tôi cần đặt ra ở đây là, làm sao để biết được họ kê khai không trung thực. Vì nếu chỉ công khai ở cơ quan thì làm sao có thể phát hiện ra. Tôi ví dụ, chỉ có ở tổ dân phố mới có thể biết người kê khai đó có 1- 2 hay nhiều cái nhà. Do vậy, muốn phát hiện sự trung thực hay không thì phải công khai về tận cơ sở. Đồng thời, nếu phát hiện ra sự không trung thực thì phải tịch thu tài sản bởi đó là tài sản bất minh. Nếu làm được như vậy thì mới có chế tài đủ mạnh để bắt buộc cán bộ, công chức tự kê khai một cách trung thực.

Có ý kiến băn khoăn nếu chỉ kê khai tài sản, thu nhập của cá nhân thì vẫn chưa chính xác bởi vì tài sản có thể đứng tên người thân trong gia đình. Ý kiến của ông về vấn đề này?

- Ông Lê Hiếu Đằng: Tôi đồng tình với những băn khoăn này. Phải kê khai cả tài sản của vợ, con người cán bộ, công chức.

Nhiều ý kiến vẫn lo ngại chưa có chế tài đủ mạnh để giám sát việc kê khai. Chẳng hạn công khai nhưng không có giám sát, thanh tra thì hiệu quả cũng chỉ dừng lại ở đó. Theo ông cần những chế tài gì khác?

- Nếu không có cơ chế, chế tài đủ mạnh thì tôi cho rằng việc kê khai cũng chỉ để kê khai. Cụ thể ở đây là cơ chế chưa ổn. Kỳ này cơ quan chống tham nhũng vẫn thuộc Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh vẫn làm trưởng ban phòng, chống tham nhũng thì sẽ “lòng vòng” vậy thôi. Không có cơ quan chống tham nhũng độc lập thì giám sát sẽ không hiệu quả được. Theo tôi, cần phải có biện pháp, phải có một ủy ban đặc biệt trong đó có đại diện Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể thì mới có thể chống tham nhũng một cách “tương đối” được.

Xin cảm ơn ông!