Căn bệnh hình thức khiến cho biết bao quy định về kê khai tài sản trở thành văn bản trên giấy. Suốt từ Đại hội Đảng lần thứ IX, khi lần đầu các trung ương ủy viên đều phải kê khai tài sản, đến giờ đã có quá nhiều quy định về kê khai tài sản cán bộ công chức.
Nào là quy định tặng, nhận quà biếu được ban hành. Rồi cán bộ phải kê khai tài sản có giá trị trên 50 triệu đồng. Rồi công khai tài sản cá nhân ở cấp chi bộ Đảng. Rồi mở rộng hóa, cụ thể hóa đối tượng kê khai, cho đến cấp... "cảnh sát khu vực".
Thậm chí, Hội nghị T.Ư 9 từ năm 2001 đã chủ trương quy định vợ con cán bộ đảng viên cũng phải kê khai. Nhìn chung, quy định về kê khai tài sản là không thiếu. Cái thiếu, chỉ là sự công khai. Chính xác hơn, là giới hạn hữu hình của việc công khai.
10 năm trước, Tổng Thanh tra Nhà nước Tạ Hữu Thanh nói rằng: Kê khai nằm trong hồ sơ quản lý của các cơ quan chứ không công khai. Theo ông: Cái này lại liên quan đến quyền tự do cá nhân được quy định trong Hiến pháp. Khi người ta chưa có dấu hiệu vi phạm gì thì không thể công khai tài sản, các khoản tiền gửi ở ngân hàng, tiền tiết kiệm của họ, vì nó liên quan đến bí mật cá nhân. Vì rằng: Cán bộ, công chức kê khai cho tổ chức, mà tổ chức là đại diện cho dân nên cũng là kê khai với nhân dân rồi.
Thế nên Nghị định 68/2011, với cốt lõi là quy định về hình thức công khai các bản kê khai tài sản- vừa được ban hành sẽ rất khó để khoác vừa chiếc áo có ý nghĩa như một văn bản cột mốc xóa bỏ hoàn toàn giới hạn của việc công khai? Dù những bản kê khai đó sẽ công khai tại nơi làm việc thường xuyên (đối với ứng viên đại biểu dân cử sẽ công khai tại hội nghị cử tri), nhưng những bản kê khai này có phải là một loại tài liệu mật, mà người khác sử dụng, hoặc "bị" công khai trên báo chí- sẽ đương nhiên bị coi là vi phạm pháp luật?
Rất khó để một vị Tổng thanh tra hoặc trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng nào đó khẳng định đây không phải tài liệu mật. Rất khó, bởi những giới hạn không rõ ràng trong việc công khai.
Anh Đào