Ký ức hãi hùng
Người dân các xã của huyện Đại Lộc (Quảng Nam) còn nhớ như in ngày 29.9.2009, khi đó thủy điện xả lũ mà không báo trước khiến gần như cả huyện Đại Lộc chìm trong biển nước, hàng trăm người dân bị thương vong...
Làng Pà ooi, xã La Êê, huyện Nam Giang tan hoang sau vụ vỡ đường ống dẫn nước thủy điện
Sông Bung 2. Ảnh: T.H
Thời gian tới tỉnh sẽ giám sát chặt các thủy điện trên địa bàn. Tỉnh đã giao Sở Công Thương tổng rà soát lại tất cả các thủy điện vừa và nhỏ trong tổng 42 dự án thủy điện. Những thủy điện nào chưa triển khai và ảnh hưởng đến rừng tự nhiên thì báo cáo, UBND tỉnh sẽ thu hồi hết những thủy điện đó”. Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam |
Cụ Hồ Văn Lai (88 tuổi, trú xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) kể: “Tôi còn nhớ ngày 29.9.2009, trên địa bàn huyện có mưa lớn, nhưng nước lên không cao. Vào buổi chiều, bất ngờ Thủy điện A Vương xả lũ với lưu lượng hàng triệu m3 làm ngập hơn 90% nhà dân của huyện Đại Lộc. Thủy điện xả lũ bất ngờ nên người dân không kịp trở tay, 8 người đã bị nước cuốn trôi, hơn 300 người bị thương, 35.000 nhà dân bị ngập nước”.
Đó không phải là lần duy nhất, ông Lai cho biết thêm, liên tiếp trong tháng 10, 11.2013, các Thủy điện Sông Tranh 2, A Vương, Đăk Mi 4, Sông Bung 4A đã xã lũ với lưu lượng lớn cũng khiến cho hàng ngàn ngôi nhà, hàng trăm ha hoa màu của người dân bị hư hỏng, phải sơ tán hơn 12.000 dân.
“Lũ ở huyện Đại Lộc có từ xa xưa đến nay, nhưng nó không kinh hoàng như bây giờ. Lũ về theo mùa, nước chảy về chậm, người dân có thể chủ động di chuyển đồ đạc, tài sản. Nay tai họa ập xuống lúc nào dân không biết. Nói thật, từ ngày có thủy điện thượng nguồn, dân Đại Lộc luôn sống trong sợ hãi. Vừa rồi dân nghe tin vỡ đập bỏ chạy tán loạn là đúng cả thôi…” - ông Nguyễn Văn Trúc -nguyên Chủ tịch huyện Đại Lộc (Quảng Nam) nói.
Ông Lê Trí Tập - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam khẳng định: “Tất cả những thiệt hại trước nay và dân bỏ chạy té khói dù lũ không về vừa qua đều có liên can đến việc thủy điện xả lũ gây lũ chồng lũ”. Ông Tập cho rằng, thủy điện được xây dựng với 2 mục đích là phát điện và chống hạn hán, lũ lụt. Nhưng hầu như các thủy điện ở miền Trung nói chung và Quảng Nam nói riêng không đáp ứng được đủ 2 tiêu chí này. Hiện thủy điện chỉ vì mục đích duy nhất là phát điện lấy tiền, không tính đến hậu quả để lại cho người dân…
Ám ảnh Sông Bung
Thủy điện Sông Bung 2 là nỗi ám ảnh với nhiều người dân Quảng Nam. Ảnh: Trương Hồng
Người dân 2 xã Đại Sơn và Đại Lãnh (Đại Lộc) vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ vỡ ống Sông Bung 2, vì vậy ngay chiều tối hôm ấy (13.9) khi nghe thông tin có lũ, họ một lần nữa chạy tán loạn.
Anh Trần Văn Lợi có vợ là chị Nguyễn Thị Ngọc (trú thôn 9, xã Đại Lãnh, Đại Lộc) vẫn còn sợ hãi, kể: “Tôi bảo với vợ là không có lũ mà bả đâu có nghe. Lũ đâu mà lũ. Rứa mà bả loạn cả lên bắt 2 đứa con đang ăn cơm bỏ cả bát chạy lên núi”. Chị Ngọc nói: “Cả làng họ chạy chứ có phải mình tui đâu. Lỡ lũ về thật có mà cả nhà bỏ mạng. Ổng sổng mất 8 con heo nên ổng tức”.
Ngồi bên cạnh, bà Trần Thị Hoa (62 tuổi) nói chen vào: “Đâu phải mình nhà anh Lợi chạy đâu. Nhà tui cũng vậy. Khoảng 17 giờ chiều, thằng Tuấn con trai tui ở đâu về lao thẳng xe vào nhà hét toáng lên, vỡ đập thủy điện, cả nhà lên núi mau”.
Trường hợp đáng thương nhất là gia đình bà Nguyễn Thị Tùng, 85 tuổi (trú xã Đại Hồng, Đại Lộc). Gia đình bà Tùng có 3 người con, 2 đứa bị bệnh tâm thần, phải chăm sóc từng tí một. Anh Nguyễn Linh (cán bộ xã Đại Hồng) cho hay: “Cả làng chạy lũ, bà Tùng già cả không thể đi nổi, 2 đứa con gần 50 cả rồi, nhưng không biết gì cả. Nghe tin, chị Nga con đầu hớt hải chạy về, nhưng không cách nào đưa được cả nhà đi. Phải nhờ hàng xóm khênh mẹ và anh chị đưa lên ô tô khách để chạy ra quốc lộ”.
Ông Ngô Vinh - Chủ tịch UBND xã Đại Sơn than thở, chính quyền xã không thông báo lũ, không biết người dân nghe thông tin ở đâu, cùng nhau bỏ chạy lên núi hết. Khoảng 17 giờ, chính quyền xã biết chuyện, phát thông báo lên loa để người dân được biết không có lũ nhưng người dân vẫn cứ chạy.
Ông Vinh cho hay: “Đã có gần 600 hộ dân với hơn 2.000 nhân khẩu của 7 thôn trong xã bỏ lại nhà cửa, chuồng trại tìm nơi tránh lũ. Phải đến 23 giờ đêm người dân mới trở về nhà. Tuy nhiên, có một số hộ chỉ để đàn ông trở về thăm dò tình hình, còn người già, phụ nữ và trẻ em đến tận sáng hôm sau mới trở về. Cũng phải thông cảm cho người dân, vì cách đấy 4 năm, mưa lớn cộng với thủy điện xả nước khiến cả xã mất trắng hoa màu, hàng trăm ngôi nhà bị chìm trong nước. Hơn nữa, thông tin do các thủy điện cung cấp không kịp thời khiến chúng tôi không thể trấn an người dân ngay từ ban đầu được. Đến 20 giờ, chúng tôi phải cử cán bộ tới tận nơi vận động người dân trở về nhà vì không có lũ. Nhiều người quay về làng, nhưng có không ít hộ vẫn không tin. Nhiều người đã đưa hình ảnh nước chảy cuồn cuộn từ thượng nguồn ra làm bằng chứng với cán bộ. Nếu cứ ép người dân trở về, lỡ có chuyện xảy ra, làm sao mà ăn nói với dân đây”.
Mất rừng, dân lãnh đủ
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, trong số 42 dự án thủy điện, 21 dự án đã được thu hồi đất, cho thuê đất với tổng diện tích 7659,72ha (5416,62ha đất nông nghiệp, 1387,71ha đất phi nông nghiệp và 855,39ha đất chưa sử dụng).
Trong 33 dự án thủy điện đã và đang triển khai trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng đến 3.270 hộ với 14.850 nhân khẩu; trong đó 1.733 hộ phải di dời, tái định cư nơi ở mới do bị ngập trong vùng lòng hồ và xây dựng các hạng mục công trình khác. Trong đó, hầu hết thuộc các dự án thủy điện bậc thang do Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt quy hoạch; Chính phủ cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư và đã được thẩm định phê duyệt có số lượng tái định cư là 1.649 hộ…
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn về tăng cường quản lý công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng và vận hành các dự án thủy điện trên cả nước. Theo đó, đã đồng ý cho tỉnh Quảng Nam loại khỏi quy hoạch dự án Thủy điện Hà Ra và Thủy điện Bồng Miêu, chưa đầu tư xây dựng đối với 18 dự án thủy điện nhỏ và vừa.
Ông Vũ Văn Thẩm - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Quảng Nam bức xúc: “Nhắc đến thủy điện là ngán ngẩm rồi, làm ăn kiểu đó thì nói chi được nữa. Làm gì thì đời sống người dân phải đặt lên hàng đầu, chứ đừng làm được người này mất người kia. Việc tối thượng hiện nay là lợi ích người dân chứ đừng đặt lợi ích nhóm, lợi ích của từng bộ phận lên hàng đầu, vì có thủy điện là mất đất, mất rừng là chuyện đương nhiên rồi, nên đừng tắc trách, thiếu trách nhiệm đối với người dân như vậy…”.
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho biết: “Để đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ cho cả vùng hạ du và đập thủy điện, trong 2 tuần đến tỉnh sẽ họp với các nhà máy thủy điện để triển khai công tác vận hành an toàn trong mùa mưa lũ, vận hành nước theo quy trình ban hành, phải hạ mực nước để đón lũ”.