Như chúng ta đã biết, phát sóng truyền hình bằng công nghệ tương tự (analog) như VTV và các đài truyền hình địa phương đang sử dụng hiện nay thì người xem chỉ cần có anten là thu được tín hiệu truyền hình. Thế nhưng, nhược điểm của công nghệ này là mỗi tần số chỉ phát được một kênh truyền hình, trong khi tài nguyên tần số của mỗi quốc gia chỉ có giới hạn nhất định. Việc số hóa sẽ “giải phóng” phần tài nguyên tần số đang bị công nghệ tương tự “chiếm giữ”, tăng số lượng kênh truyền hình lên nhiều lần so với hiện nay.
Việc số hóa sẽ “giải phóng” phần tài nguyên tần số đang bị công nghệ tương tự “chiếm giữ” |
Về chất lượng, truyền hình kỹ thuật số cho hình ảnh sắc nét, có chiều sâu, loại bỏ hoàn toàn hiện tượng nhiễu, bóng vốn là nhược điểm của truyền hình tương tự, loại bỏ tác hại của các tia sóng phản xạ, không bị ảnh hưởng của can nhiễu phát ra do máy tính, đèn neon, motor điện, sấm sét... Ngoài ra, truyền hình kỹ thuật số có khả năng thu cố định hoặc di động trên các phương tiện giao thông như ô tô, tàu hoả mà vẫn đạt chất lượng cao. Công nghệ này không chỉ đem lại cho mọi người nhiều dịch vụ truyền hình và các dịch vụ giá trị gia tăng đa dạng... mà còn cho phép các đài truyền hình sử dụng chung cơ sở hạ tầng truyền dẫn và phát sóng, tránh tình trạng mỗi đài truyền hình đầu tư xây dựng một hạ tầng riêng biệt, phục vụ chỉ riêng nhu cầu của từng đài, gây lãng phí nguồn lực đầu tư. Những tính năng ưu việt đó khiến lộ trình số hóa truyền hình không chỉ là mục tiêu tại Việt Nam mà là hoạt động đã và đang được triển khai thực hiện tại nhiều nước trên thế giới.
Nhiều quốc gia đã có kế hoạch chu đáo cho một trong những cuộc thay đổi lớn nhất của lịch sử nhân loại, cụ thể là có hàng chục quốc gia đã tuyên bố “từ bỏ” hoàn toàn truyền hình analog để chuyển sang truyền dẫn và phát sóng kỹ thuật số. Ở châu Âu, các nước Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan là năm 2007; Đức năm 2008; Tây Ban Nha, Áo, Hy Lạp năm 2010; Pháp năm 2011; Anh, Bồ Đào Nha, Hungary năm 2012... Ở châu Mỹ, Mỹ, Canada năm 2009; Mexico năm 2012... Còn ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc vào năm 2011; Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á là năm 2015...
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020 vào ngày 16.2.2009. Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án số hóa với các mốc thời gian quan trọng sau:
- Trước ngày 31.12.2016, các đài truyền hình trung ương và địa phương chấm dứt việc phát sóng truyền hình tương tự (analog) tại các thành phố lớn để chuyển sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số mặt đất.
- Trước ngày 31.12.2020, các đài truyền hình sẽ chấm dứt việc phát sóng tương tự và chuyển sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng kỹ thuật số mặt đất trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Việc chuyển đổi theo lộ trình số hóa nêu trên được áp dụng cho tất cả các đài truyền hình trên lãnh thổ Việt Nam, kể cả VTV.
Thông số kỹ thuật tại các trạm phát sóng được hiển thị về trung tâm giám sát và vận hành |
Tuy nhiên xây dựng một hệ truyền dẫn phát sóng đòi hỏi đầu tư tài chính, kỹ thuật, công nghệ rất lớn. Với lộ trình đặt ra như vậy, nếu chỉ trông chờ vào Ngân sách nhà nước thì khó mà thực hiện được. Việc đa dạng hóa các nguồn đầu tư được coi là một giải pháp huy động mọi nguồn lực xã hội để lộ trình này trở thành hiện thực.
Quyết định 22/2009/QĐ-TTg ngày 16.2.2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành "Quy hoạch truyền dẫn, phát sóng phát thanh, truyền hình đến năm 2020" đã chỉ ra cụ thể: “Đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phục vụ nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao được ưu tiên sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn viện trợ và cho vay ưu đãi từ nước ngoài. Đối với các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng phục vụ mục tiêu khác, sử dụng nguồn vốn huy động từ các doanh nghiệp, xã hội”.
Kinh nghiệm truyền dẫn, phát sóng trong lộ trình số hóa truyền hình tại các nước phát triển trên thế giới cho thấy, việc tham gia của các đơn vị tư nhân vào hoạt động truyền dẫn phát sóng tại Việt Nam không phải là một ngoại lệ. Huy động các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư vào hạ tầng truyền dẫn phát sóng truyền hình không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước trong việc phát triển, đầu tư nâng cấp hạ tầng truyền hình, tập trung nguồn vốn cho việc phát triển nội dung chương trình. Chủ trương đúng đắn này của Đảng và Nhà nước sẽ góp phần phát triển một thị trường truyền dẫn phát sóng phát thanh truyền hình theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa trong một tương lai rất gần, nhưng vẫn trong tầm kiểm soát của Nhà nước.
Hiện nay, chúng ta đã có Đài truyền hình Việt Nam VTV và Đài truyền hình kỹ thuật số VTC là hai đơn vị nằm trong quy hoạch được cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc. Được Thủ tướng Chính phủ cho phép (Công văn số 965/TTG-KGVX), Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Toàn Cầu (AVG) đang khẩn trương xây dựng hạ tầng truyền dẫn phát sóng kỹ thuật số mặt đất kết hợp với phương thức truyền dẫn số qua vệ tinh, trở thành đơn vị thứ ba được cung cấp dịch vụ trên phạm vi toàn quốc như đã được chỉ ra trong quy hoạch.
Kiểm tra các trạm phát sóng tại Trung tâm Giám sát và Điều độ Vận hành mạng từ xa (NCC) của AVG |
Ngày 10.10 năm ngoái, AVG đã phát sóng thử nghiệm thành công hai trạm máy phát số mặt đất sử dụng công nghệ SFN (mạng truyền hình số mặt đất đơn tần) tại Hà Nội. Từ đó đến nay, AVG đã triển khai xây dựng, lắp đặt và đưa vào vận hành 6 trạm phát sóng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh với các mức công suất phát sóng từ 600W đến 2.6kW.
Trong đó, trạm phát sóng Keangnam đặt trên nóc toà nhà Keangnam Việt Nam cao 350m, được xem là cao nhất Việt Nam tại thời điểm hiện tại, kết hợp với 2 trạm phát sóng tại Vân Hồ và HTV Hà Nội, tạo thành một mạng đơn tần SFN hoạt động ổn định với bán kính phủ sóng rộng tại khu vực Hà Nội. Và gần đây nhất, ngày 9.8.2011 AVG đã chính thức ra mắt Trung tâm Giám sát và Điều độ Vận hành mạng từ xa (NCC) đặt tại Hà Nội.
Khi AVG hoạt động chính thức sẽ góp phần cung cấp các dịch vụ truyền hình đa dạng, phong phú, chất lượng cao cùng những chương trình thông tin giải trí, đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của khán giả, kết hợp truyền dẫn, phát sóng đến với người dân; phù hợp với các định hướng phát triển chiến lược về truyền thông, truyền hình của Đảng và Nhà nước ta.
Khánh Linh - Hữu Quang