Cho rằng sự cố vỡ đường ống thủy điện Sông Bung 2 (huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam) là do thủy điện này tích nước trái phép mới gây ra sự cố, hôm nay (20.9) trao đổi nhanh với Dân Việt, ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Nam cho biết: Trước khi được đồng ý tích nước, đại diện thủy điện Sông Bung 2 phải làm việc với huyện Nam Giang và vùng hạ du. Họ phải họp nhân dân lại để thông báo quy trình và cách tích nước như thế nào, ngày nào và sự cố nếu xảy ra như thế nào để tiến hành công tác nghiệm thu. Sau đó báo lại với UBND tỉnh, các sở, ban ngành của tỉnh được biết, và từ cơ sở đó Sở Công thương sẽ tham mưu cho UBND tỉnh để cấp phép tích nước.
Thủy điện Sông Bung 2 qua mặt các cơ quan chức năng tỉnh để tích nước gây hậu quả lớn.
Theo nguyên tắc, trước đây, đối với các công trình thủy điện lớn, trước khi tích nước, công trình phải được Hội đồng thẩm định Nhà nước kiểm tra, thẩm định, cấp chứng nhận đảm bảo an toàn đập thì mới cho phép tích nước. Tuy nhiên, do quá nhiều các công trình công nghiệp nên Hội đồng thẩm định Nhà nước không kham xuể. Tháng 2. 2013, Chính phủ đã có Nghị định 15 (về Quản lý chất lượng công trình xây dựng), giao cho chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm chọn đơn vị thẩm định, Hội đồng nghiệm thu nhà nước chỉ kiểm tra trên hồ sơ. Theo đó, Bộ Công thương cũng đã có Thông tư 16, phân cấp việc kiểm tra này cho UBND cấp tỉnh, Sở Công thương chịu trách nhiệm trực tiếp kiểm tra hồ sơ nghiệm thu và các điều kiện đảm bảo an toàn đập.
Còn về để đảm bảo các điều kiện tích nước, về nguyên tắc của các thủy điện nói chung và thủy điện Sông Bung 2 nói riêng, sở Công Thương tỉnh là đơn vị đầu tiên mà Ban quản lý dự án thủy điện Sông Bung 2 (thuộc Tổng Cty Phát điện 2, EVN - chủ đầu tư) phải báo cáo, xin phép và tổ chức họp thông báo rộng rãi, có đầy đủ thủ tục để được tích nước. Trên cơ sở đó, chúng tôi lập đoàn liên ngành, kiểm tra các điều kiện an toàn đập, đảm bảo có phương án phòng chống lụt bão, phối hợp với chính quyền hạ du tuyên truyền cho nhân dân, kiểm tra các công trình văn hóa, rà soát vật liệu nổ, chất độc hóa học, vệ sinh lòng hồ, đánh giá tác động môi trường ... trước khi tham mưu cho UBND ra quyết định chính thức mới cho tích nước. Nhưng, cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa tham gia các bước đó của thủy điện Sông Bung 2 và Sở chưa nhận được giấy chứng nhận an toàn đập của thủy điện Sông Bung 2.
Sự cố vỡ đường ống thủy điện Sông Bung 2 gây hậu quả nghiêm trọng
“Thủy điện Sông Bung mới chỉ có một văn bản của Sở TN&MT tỉnh mà đã về tích nước rồi, nên mới xảy ra sự cố bất ngờ. Khi chúng tôi hỏi huyện Nam Giang thì huyện nói thủy điện này chỉ gửi văn bản cho huyện rồi tích nước, đại diện của dự án thủy điện Sông Bung không đến làm việc với huyện về phương án nếu xảy ra sự cố để còn xử lý. Nói đúng quy trình hay sai phạm trong việc tích nước của thủy điện Sông Bung 2 là chưa chặt chẽ về quy trình làm việc. Việc tích nước của thủy điện Sông Bung 2 là quá vội vàng…” - Ông Thử nói
Còn ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho rằng: Trong công văn tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam về việc tích nước thủy điện Sông Bung 2, Sở đã yêu cầu Tổng Công ty Phát điện 2, EVN - chủ đầu tư phải đảm bảo đủ 3 điều kiện cơ bản theo quy định Nhà nước trước khi tích nước lòng hồ. Trong đó, yêu cầu tiên quyết là phải tiến hành nghiệm thu và có chứng nhận đã an toàn đập theo quy định... Nhưng, đến thời điểm tích nước và cả đến bây giờ, nhà đầu tư vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Không biết Sở Công thương có được giấy chứng nhận đảm bảo an toàn đập hay chưa, phía Sở TN&MT chưa nhận được.
“Sở TN&MT kiểm hồ sơ thì thủy điện đã hoàn thành, nên sở mới tham mưu cho UBND tỉnh. UBND tỉnh chỉ mới thống nhất chủ trương tích nước thôi và yêu cầu thủy điện đảm bảo các hồ sơ thủ tục về xây dựng…” - ông Thọ cho biết.