Dân Việt

Ngăn chặn tình trạng ồ ạt mở rộng diện tích hồ tiêu tại Tây Nguyên

Quang Huy 20/09/2016 10:39 GMT+7
Hiện nay, giá tiêu đen giảm xuống chỉ còn 150.000 đồng/kg, nhưng vẫn ở mức cao so với các loại nông sản chủ lực khác ở Tây Nguyên trong mùa mưa này.

Do đó, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên vẫn bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, tiếp tục ồ ạt mở rộng hàng nghìn hécta cây hồ tiêu không theo quy hoạch. Thậm chí, nhiều địa phương ở vùng Tây Nguyên không kiểm soát được việc trồng hồ tiêu tự phát của đồng bào các dân tộc trên địa bàn.

img

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong 5 năm trở lại đây, đồng bào các dân tộc ở các tỉnh Tây Nguyên đã tự ý mở rộng hàng chục nghìn hécta cây hồ tiêu, nhất là các tỉnh như Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông. Đồng bào đã chủ động chuyển đổi đất vườn tạp, vườn càphê, điều, cao su kém hiệu quả kinh tế sang trồng cây hồ tiêu.

Theo quy hoạch của tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2020, cả tỉnh sẽ có 15.000ha cây hồ tiêu. Thế nhưng, tới thời điểm hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 25.500ha; trong đó, diện tích cho thu hoạch lên tới 11.642ha; những diện tích còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Đây cũng là một trong những địa phương có diện tích cây hồ tiêu lớn nhất cả nước.

Thực tế, việc phát triển cây hồ tiêu ở Tây Nguyên đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc, nhất là nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều nông hộ trồng tiêu ở các xã thuộc huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar (Đắk Lắk), Đắk Lấp, Đắk Min, Cư Jut (Đắk Nông), Chư Sê, Chư Pứh (Gia Lai)... mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí còn thu lãi từ 500 triệu đến cả hàng tỷ đồng.

Tuy nhiên, việc đua nhau trồng tiêu bất chấp khuyến cáo của các địa phương, các ngành chức năng đã kéo theo nhiều hệ lụy gây thiệt hại lớn cho đồng bào các dân tộc. Nghiêm trọng nhất là đồng bào tự ý đưa cây tiêu vào trồng ở những vùng đất không thích hợp, đất dễ bị ngập úng, không cải tạo đất, chưa xử lý mầm bệnh, sử dụng giống tiêu không rõ ràng nguồn gốc; sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi dẫn đến dịch bệnh trên cây tiêu phát triển mạnh, nhất là các loại nấm bệnh chết nhanh, chết chậm làm nhiều vườn tiêu chết hàng loạt...

Mới đây, tại xã vùng sâu Ea Riêng, huyện M’Đắk (Đắk Lắk) nhiều vườn tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch của các nông hộ ở các thôn 10, thôn 11, thôn 18... bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm và bị chết hàng loạt; hộ thấp nhất bị thiệt hại 100 trụ, hộ nhiều nhất là gần 400 trụ tiêu. Thế nhưng, các vườn tiêu mới chết xong, đồng bào vẫn không xử lý đất mà tiếp tục trồng lại tiêu, khó tránh khỏi nguy cơ cây hồ tiêu chết hàng loạt.

Hồ tiêu là loại cây công nghiệp dài ngày, vốn đầu tư lớn, chu kỳ kinh doanh kéo dài hàng chục năm. Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần tiến hành quy hoạch cụ thể lại các vùng chuyên canh cây tiêu, kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, cung ứng giống tiêu; đồng thời, các ngành chức năng cần có hướng dẫn cho đông đảo đồng bào các dân tộc quy trình kỹ thuật thâm canh, chăm sóc, thu hoạch, chế biến... đối với cây hồ tiêu, góp phần phát triển cây hồ tiêu bền vững trên địa bàn.

Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 53.500ha cây hồ tiêu; trong đó, tập trung nhiều nhất là Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng.