Điêu đứng
Sau khi bị thu hồi 3.000m2 đất rừng cao su nằm trong lòng hồ Thủy điện Thượng Lộ, cuộc sống của gia đình ông Hồ Văn Ngời (thôn Ria Hố, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông) hoàn toàn trông chờ vào 1.000m2 đất trồng lúa và nuôi cá. Vậy nhưng, thời gian qua, khi Thủy điện Thượng Lộ tích nước, số diện tích đất ít ỏi còn lại nói trên của gia đình ông Ngời đã bị nhấn chìm, khiến gia đình ông rơi vào cảnh bế tắc.
Cuộc sống của người dân tái định cư Thủy điện A Lưới bế tắc vì đất đai được cấp quá cằn cỗi. Ảnh: An Sơn
Để triển khai các dự án Thủy điện Bình Điền, Hương Điền và A Lưới, đã có 910ha rừng bị chặt phá. Đến thời điểm hiện tại, 3 dự án thủy điện trên đang nợ đến 735ha rừng phải trồng thay thế. Trong đó, Thủy điện Bình Điền nợ 380ha, thủy điện Hương Điền 285ha, Thủy điện A Lưới 70ha. |
Ông Hồ Văn Chính - Chủ tịch UBND xã Thượng Lộ cho biết, đã có rất nhiều đất rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất lúa của người dân địa phương nằm ngoài phạm vi lòng hồ thủy điện nhưng bị ngập sâu và vẫn chưa nhận được đền bù thiệt hại. Ngoài ra, việc thủy điện tích nước còn làm tuyến đường vào rừng ở xã bị chia cắt, khiến việc đi lại, sản xuất của người dân đối mặt với nhiều hiểm họa.
Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng thủy điện ở Thừa Thiên- Huế tích nước khiến đất đai, cây trồng của người dân nằm ngoài phạm vi lòng hồ bị nhấn chìm. Trước đó, người dân các xã Hồng Thượng, Sơn Thủy, Hồng Thái (huyện A Lưới) cũng điêu đứng bởi Thủy điện A Lưới tích nước khiến nhiều diện tích cây trồng, mồ mả, đường giao thông bị ngập sâu, gây thiệt hại nặng nề. Tại xã Phong Sơn (huyện Phong Điền), Thủy điện Hương Điền tích nước cũng đã khiến hơn 100ha cao su và rừng kinh tế của người dân bị nhấn chìm.
Ngoài tích nước khiến đất đai, cây trồng của người dân nằm ngoài phạm vi lòng hồ chìm trong biển nước, thủy điện ở Thừa Thiên- Huế còn nhiều lần xả lũ gây thiệt hại lớn cho vùng hạ du. Gần đây nhất là vụ thủy điện Hương Điền xả lũ bất ngờ vào cuối tháng 3.2015. Vào thời điểm trên, Thủy điện Hương Điền ồ ạt xả lũ với lưu lượng gần 1.000m3/giây đã khiến người dân nhiều huyện không kịp trở tay. Tại huyện Quảng Điền, vụ xả lũ này đã khiến hơn 1.000ha lúa và 220ha hoa màu bị chìm trong biển nước, gây thiệt hại khoảng 65 tỷ đồng cho nông dân.
Đẩy dân vào cảnh nghèo đói
Huyện Quảng Điền phá đập Tây Thành để cứu lúa sau khi Thủy điện Hương Điền xả lũ gây ngập nặng. Ảnh: An Sơn
Theo số liệu khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển xã hội (CSRD), sau khi bị di dời bởi dự án thủy điện- thủy lợi Tả Trạch, đời sống của người dân tại các khu tái định cư của dự án này chồng chất khó khăn. Đơn cử như tại khu tái định cư Bến Ván (xã Lộc Bổn, huyện Phú Lộc), do đất lâm nghiệp ít ỏi, trong khi đất vườn và đất ruộng khô cằn, không có nước tưới nên người dân phải bỏ hoang gần như toàn bộ. Điều kiện chăn nuôi khó khăn nên số lượng vật nuôi của người dân giảm mạnh so với nơi ở cũ, trong đó trâu giảm 90%, bò giảm 65%.
Kết quả khảo sát của CSRD cũng cho thấy, người dân khu tái định cư Bồ Hòn (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà) thiếu đất sản xuất trầm trọng sau 10 năm chuyển đến nơi ở mới để nhường đất cho công trình Thủy điện Bình Điền. Cuộc sống khổ cực nên tình trạng bỏ học ở đây diễn ra phổ biến. 89,59% số hộ dân ở đây có thu nhập thấp hơn nơi ở cũ và trên 50% người dân chán nản cuộc sống hiện tại.
Để nhường đất cho dự án Thủy điện A Lưới, gần 200 hộ thuộc nhiều xã của huyện A Lưới phải di dời đến nơi ở mới, trong đó hơn 100 hộ chuyển đến khu tái định canh, định cư Căn Tôm (xã Hồng Thượng). Ngoài là nơi ở và nơi sản xuất của hơn 100 hộ dân di dời đến đây, 750ha đất ở khu tái định canh, định cư này còn là nơi cấp đất sản xuất cho những hộ dân khác mất đất bởi dự án. Tuy nhiên, từ đất trồng rừng, đất vườn cho đến đất ruộng ở đây toàn “đất chết”, sỏi đá nhiều hơn đất nên cây trồng rất khó phát triển, người dân rơi vào bế tắc.
Theo ông A Viết Huy- Trưởng thôn Căn Tôm, ngoài đất rừng và đất vườn rất khó cải tạo để sản xuất, hiện mới chỉ có khoảng 9/25ha đất được quy hoạch làm đất ruộng ở đây được cải tạo, còn lại đều trong tình trạng bỏ hoang. Ông Huy cho biết, hiện người dân khu tái định cư đang khủng hoảng sinh kế và cơ quan chức năng cần xem xét cơ chế cho người dân mất đất bởi thủy điện được đóng góp đất đai như là cổ đông của nhà máy, trong đó lãnh đạo huyện có thể đại diện cho tất cả các hộ dân bị thiệt hại.
Tàn phá môi trường
Ngoài việc khiến người dân mất đất sản xuất và bị thiệt hại do việc tích nước, xả lũ, thủy điện ở Thừa Thiên- Huế còn gây nhiều hệ lụy về môi trường. Trước đây, mỗi năm gia đình bà Phan Thị Lý (xã Phú Vinh, huyện A Lưới) lãi 30-40 triệu đồng từ nuôi cá nước ngọt ở 7 hồ nuôi. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, khi Thủy điện A Lưới khoét núi để xây dựng một con kênh lớn dẫn nước phục vụ cho việc phát điện khiến nguồn nước mặt và nước ngầm cạn kiệt, các hồ nuôi cá của gia đình bà Lý trở nên trơ đáy. Không thể tiếp tục nuôi cá, vợ chồng bà Lý lấp hồ trồng cây nhưng cây cối cũng không phát triển được vì thiếu nước.
Cùng cảnh ngộ với gia đình bà Lý là hàng loạt hộ dân khác ở xã Phú Vinh và gần đó là xã Hồng Thượng. Không chỉ ao hồ nuôi cá mà giếng nước của hàng loạt hộ dân nơi đây cũng trở nên khô cạn.
Ông Hồ Chính Bê - Chủ tịch UBND xã Phú Vinh cho biết, để dẫn nước từ hồ chứa trên dòng sông A Sáp về nhà máy, chủ đầu tư Thủy điện A Lưới đã khoét núi làm một con kênh lớn có chiều dài khoảng 2km. Việc làm này đã khiến nguồn nước mặt và nước ngầm bị sụt giảm nghiêm trọng, hàng chục giếng nước, ao hồ của người dân địa phương khô cạn. Trước đây, khi kênh dẫn nước của thủy điện chưa được xây dựng, ở xã chưa bao giờ xảy ra tình trạng này.
Để triển khai các dự án Thủy điện Bình Điền, Hương Điền và A Lưới, đã có 910ha rừng bị chặt phá. Theo quy định tại Nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng, chủ đầu tư các dự án thủy điện này phải đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác. Tuy nhiên, đã sau nhiều năm kể từ khi dự án đi vào vận hành, chủ đầu tư các thủy điện trên vẫn chưa thực hiện trồng rừng theo đúng quy định. Đến thời điểm hiện tại, 3 dự án thủy điện trên đang nợ đến 735ha rừng phải trồng thay thế. Trong đó, Thủy điện Bình Điền nợ 380ha, thủy điện Hương Điền 285ha, Thủy điện A Lưới 70ha.
Trao đổi với NTNN, ông Phạm Ngọc Dũng- Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: Để được phê duyệt dự án, chủ đầu tư các công trình thủy điện trên đều cam kết trồng lại rừng thay thế, nhưng sau đó lại không thực hiện cam kết của mình. Theo ông Dũng, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế vừa ban hành quyết định về việc trồng rừng thay thế của các dự án thủy điện trên. Theo đó, chủ đầu tư các dự án này phải trồng khoảng 285ha rừng, số rừng còn thiếu (khoảng 450ha) sẽ phải đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ phát triển rừng của tỉnh để cơ quan này tổ chức trồng rừng thay thế. Đến tháng 4.2017 các dự án phải hoàn thành việc trồng rừng thay thế, nếu không tỉnh sẽ có chế tài xử lý.