Dân Việt

Hải sản tầng đáy chưa an toàn: Nhiều ngư dân Quảng Bình “úp thuyền”

Phan Phương 21/09/2016 15:02 GMT+7
“Mùa này ngư dân bãi ngang Quảng Bình bắt đầu vào mùa khai thác hải sản tầng đáy nhưng với việc công bố hải sản tầng đáy chưa an toàn, đồng nghĩa với việc ngư dân nơi đây lại phải “úp thuyền”". - ông Nguyễn Phương Lâm, Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam nói.

Sáng 21.9, trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Phương Lâm - Bí thư Đảng ủy xã Ngư Thủy Nam (Lệ Thủy, Quảng Bình) cho biết, thời gian qua, sau một thời gian dài nghỉ biển vì thảm họa môi trường biển do Fosmosa Hà Tĩnh gây ra, ngư dân đã lác đác ra khơi trở lại. Thế nhưng với thông tin các loại hải sản tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa an toàn để sử dụng làm thực phẩm, ngư dân Ngư Thủy Nam đã buồn lại càng buồn và lo lắng hơn.

Theo ông Lâm, xã Ngư Thủy Nam chủ yếu làm nghề biển với hơn 300 chiếc thuyền nhỏ, chuyên đánh bắt gần bờ. Hơn 4 tháng qua, với sự cố môi trường biển, phần lớn ngư dân mất việc làm, mất thu nhập.

img

Tôm biển, mực…những loại hải sản tầng đáy, gần bờ có giá trị rất cao, những năm trước đã đem về nguồn thu lớn cho ngư dân bãi ngang.

Đến nay ngư dân có thể ra khơi trở lại, nhưng với thông tin hải sản tầng đáy chưa an toàn, thì ngư dân Ngư Thủy Nam lại phải tiếp tục “úp thuyền”.

“Mùa này ngư dân bãi ngang Quảng Bình bắt đầu vào mùa khai thác hải sản tầng đáy nhưng với việc công bố hải sản tầng đáy chưa an toàn, đồng nghĩa với việc ngư dân nơi đây lại phải “úp thuyền”" - ông Lâm nói.

Ngư dân Nguyễn Văn Hồng (Ngư Thủy Nam) cho biết, hải sản nằm ở tầng đáy tuy sản lượng đánh thấp nhưng đều là những loài có giá trị cao. Những năm trước, khi mùa mưa bão bắt đầu, những loài hải sản ngon như cá mú, cá hồng, cá nâu, cua, ghẹ... quần tụ, trú ẩn ở những rạn san hô gần bờ nên tranh thủ những ngày biển ít động, ngư dân lặn, câu, lưới tầng đáy bắt hải sản kiếm tiền cho trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học.

“Mỗi ngày chỉ cần trúng dăm con cá mú, vài kg ghẹ loại ngon là kiếm được tiền triệu rồi. Nhưng năm nay thì coi như bó tay rồi…” - ông Hồng thở dài.

Trong khi đó, tại xã biển bãi ngang Hải Ninh, Quảng Ninh nơi có đội thuyền lớn nhất tỉnh Quảng Bình với hơn 600 chiếc nhưng hiện tại mỗi ngày chỉ có khoảng 50 chiếc hoạt động còn lại đều nằm bờ. “Phần lớn lao động của xã Hải Ninh đã tìm đường vào các tỉnh miền Nam làm thuê, phần còn lại thì xuống Đồng Hới xin đi đánh cá xa bờ chứ biển bãi ngang bây giờ không còn nuôi nổi ngư dân nữa rồi” - ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh nói.

img

Nhiều ngư dân bãi ngang Quảng Bình đã tính đến chuyện nghỉ biết dài ngày khi đưa thuyền vào tận nhà để cất.

Theo khảo sát của Dân Việt những ngày qua, tại một số chợ ở Quảng Bình cũng có bày bán các mặt hàng hải sản tầng đáy như: ghẹ, tôm, cá mú…tuy nhiên cũng rất ít người hỏi mua.