Dân Việt

An toàn trong mưa bão phải đặt lên hàng đầu

Thanh Xuân (thực hiện) 22/09/2016 06:15 GMT+7
Ông Hồ Mạnh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN NPC) đã khẳng định như vậy khi trả lời về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của EVN NPC trong mùa mưa bão 2016.

Các chuyên gia đánh giá mùa mưa bão năm nay có diễn biến phức tạp, đặc biệt là đến cuối mùa sẽ có nhiều bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ với diễn biến phức tạp hơn năm 2015, theo ông điều này sẽ có những tác động bất lợi như thế nào tới ngành điện?

img

Công nhân ngành điện khắc phục sự cố mưa, bão. Ảnh: T.L

- Có thể nói, tác động bất lợi của thời tiết tới sự an toàn của ngành điện ngày càng nhiều hơn, phức tạp hơn và khó lường hơn. Mỗi năm diễn biến thời tiết lại có sự khác nhau, vì vậy công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến nay đã được Nhà nước luật hóa. Nếu như trước đây chỉ là phòng chống lụt bão, thì bây giờ đã quy định là tình huống của thiên tai như nắng nóng, tuyết rơi, mưa lớn… Riêng trong năm 2016, có thể nói là năm có nhiều diễn biến phức tạp của thời tiết do tác động từ biến đổi khí hậu. Ngay từ đầu năm đã xảy ra hạn hán, giông lốc, mưa và ngày càng có nhiều tác động bất lợi cho ngành điện. Chính vì thế, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của ngành điện đã được quan tâm ngay từ những ngày đầu tiên, bây giờ càng được quan tâm và thực hiện kỹ lưỡng, nhằm khắc phục hậu quả, đảm bảo an toàn và giảm thiểu thiệt hại một cách kịp thời là mục tiêu của ngành điện đặt ra.

img

Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc luôn được quan tâm đặc biệt, trong đó vấn đề an toàn và giảm thiểu thiệt hại tới mức thấp nhất luôn được đặt lên hàng đầu”.

Ông Hồ Mạnh Tuấn

Thực tế công tác phòng chống thiên tai của ngành điện gặp những khó khăn gì, thưa ông?

- Do diễn biến của tình hình thời tiết, khí hậu ngày càng phức tạp nên nhiều sự cố xảy ra quá nhanh. Đặc biệt, nguy cơ diễn biến của các hình thái thời tiết luôn ở mức độ lớn như mưa lớn bất thường kéo theo gây ra lũ quét, sạt lở đất, băng giá, mưa tuyết… gây gãy đổ cột điện, hư hỏng đường dây, trạm biến áp dẫn tới công tác khắc phục rất khó khăn. Thậm chí, chỉ cần có gió lớn làm cho cây cối, thiết bị khác bay vào đường dây, việc khắc phục hậu quả cũng tốn nhiều thời gian, công sức. Có những sự cố, dù mưa, bão chưa kết thúc hoàn toàn nhưng các cán bộ của ngành điện vẫn phải tìm mọi cách khắc phục sự cố nhanh nhất để đảm bảo cung cấp điện trở lại sớm nhất cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Những năm gần đây, ngoài hiện tượng băng giá còn xuất hiện mưa tuyết, ông có thể cho biết phương án khắc phục những hình thái thời tiết mới này của EVNNPC như thế nào?

- Ngoài băng giá, những năm gần đây đã xuất hiện mưa tuyết ở Sapa và một số địa phương của miền Bắc, gây gián đoạn cấp điện một số địa bàn của khu vực phía Bắc. Để chủ động ứng phó với loại hình thiên tai mới này, ngành điện đã chỉ đạo các đơn vị tư vấn nghiên cứu ngay các giải pháp trong đầu tư thiết kế các thiết bị chống chịu được mưa tuyết. Hiện tại, ở một số địa phương hay xảy ra mưa tuyết, chúng tôi đã ứng dụng nhiều thiết bị được thiết kế đặc biệt, có thể chống chịu được thời tiết bất thường. Ngoài ra, chúng tôi cũng áp dụng các giải pháp chuẩn bị trước nếu xảy ra tình huống mưa, băng tuyết và sau khi băng tuyết tan cần xử lý nhanh để cấp điện trở lại.

Để đối phó với diễn biến bất thường của thời tiết, công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của ngành điện năm 2016 được EVN NPC chuẩn bị như thế nào?

- Hiện nay, EVN NPC đang quản lý 27 địa bàn ở miền Bắc, khu vực cũng có nhiều tác động lớn đối với các diễn biến của biến đổi khí hậu. Chính vì thế, thực hiện chỉ đạo của EVN, công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã được EVN NPC thực hiện rất sớm. Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thành lập đội xung kích, có giải pháp khắc phục sớm những khiếm khuyết, vừa đáp ứng nhu cầu, vừa chủ động chịu được những sự cố khi thiên tai xảy ra. Cùng với đó, việc kiểm tra vận hành đường dây và trạm biến áp, thực hiện thí nghiệm thiết bị và lập bảng kê thiết bị dự phòng cũng được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo đáp ứng nhu cầu sửa chữa khi có sự cố xảy ra. Chúng tôi luôn cố gắng giảm thiểu thiệt hại ở mức thấp nhất của sự cố xảy ra, đảm bảo an toàn và khắc phục thiệt hại cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất.  Ngoài ra, các đơn vị còn chủ động phối hợp các cấp chính quyền địa phương để tuyên truyền, phổ biến với người dân về công tác an toàn về điện trong mùa mưa bão.

Ông có thể cho biết, việc tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn với nhiều đường dây đã cũ ảnh hưởng như thế nào tới an toàn lưới điện trong mùa mưa bão?

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, trong 7 năm qua EVN NPC đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn ở gần 4.000 xã. Nhiều địa bàn lưới điện được xây dựng rất lâu rồi nên đã cũ nát, không đảm bảo. Từ đó, các đường dây này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn, do đó chỗ nào mất an toàn chúng tôi chỉ đạo phải tổ chức khắc phục sớm. Trong những năm qua, chúng tôi đã triển khai từng bước thu xếp vốn để đảm bảo cải tạo nâng cấp đầu tư lưới điện sau tiếp nhận vận hành an toàn. Trên cơ sở nguồn vốn tự có của các công trình, vốn thường xuyên để đáp ứng nhu cầu kỹ thuật an toàn, đặc biệt, trước mùa mưa bão, chúng tôi đều chỉ đạo các đơn vị thành viên phải rà soát lại kỹ lưỡng hơn vì đây là điểm yếu khi xảy ra mưa bão, giông lốc, ảnh hưởng tới an toàn khi có sự cố xảy ra. Đồng thời, chúng tôi cũng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, cảnh báo mức độ an toàn của lưới điện nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Xin cảm ơn ông!