Lao động không quan tâm
Theo báo cáo của Vụ Bảo hiểm xã hội (BHXH, Bộ LĐTBXH), 9 tháng đầu năm 2016 chỉ có 1.500 lao động làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH trên tổng số hơn 11.000 lao động xuất cảnh.
Lao động buộc phải tham gia BHXH khi đi làm việc ở nước ngoài (Lao động Việt Nam
xuất cảnh sang Hàn Quốc). Ảnh: Minh Nguyệt
Nguyễn Văn Nam (32 tuổi, ở Tào Xuyên, Thanh Hóa) vừa đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc được 3 tháng. Hiện tại Nam đang làm trong một công ty sản xuất gỗ mỹ nghệ tại Seoul. Nam cho biết, trước khi bay, anh cũng đã được phổ biến về việc tham gia BHXH bắt buộc ở Việt Nam nhưng anh không quan tâm. “Trước đây, lúc còn ở Việt Nam mình cũng đi làm cho vài công ty tư nhân, nhưng thời gian làm việc không dài, 5-7 tháng lại chuyển nên không được công ty đóng BHXH. Giờ sang Hàn Quốc làm hợp đồng có 3 năm, đóng cũng không tiện lắm. Chắc gì sau này về nước mình sẽ tham gia nên mình từ chối, không tham gia luôn” – Nam kể.
Hiện nay, Nam đang đóng khá nhiều loại bảo hiểm (bảo hiểm tai nạn, bảo hiểm lao động, bảo hiểm rủi ro…) tại nước sở tại (Hàn Quốc) nếu tham gia đóng tiếp BHXH ở Việt Nam thì cùng lúc anh phải đóng 5, thậm chí 6 loại bảo hiểm.
Ông Lê Nhật Tân - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực (LOD) cho biết: “Gần như tỷ lệ lớn lao động đi XKLĐ chưa hiểu khái niệm về BHXH. Các em chỉ quan tâm đến các nội dung, kỹ năng khi đi làm việc ở nước ngoài. Cùng lắm, các em chỉ hiểu đi xuất khẩu lao động buộc phải đóng các khoản bảo hiểm ở nước sở tại. Điều các em quan tâm sau cùng chỉ là- sau khi trừ bảo hiểm, em còn bao nhiêu tiền”. Cũng theo ông Tân, hiện nay có hai loại lao động: Thứ nhất là lao động trẻ, chưa từng tham gia làm việc, hay đóng BHXH ở Việt Nam. Công ty đã thông báo, giới thiệu về việc tham gia BHXH nhưng hầu như các em “xin phép” không tham gia. Bản thân họ cũng không có tiền để đóng BHXH. Vì vậy, họ mong muốn, sau khi trở về nước, tìm được công việc ổn định mới tham gia BHXH.
Đối tượng thứ hai, chiếm số ít là các lao động có kỹ năng, đã có thâm niên làm việc và đóng BHXH tại các công ty của Việt Nam, họ vẫn mong muốn được tiếp tục tham gia BHXH. Bản thân họ cũng nhận lương ở Việt Nam (lương được chủ chuyển lương về Việt Nam). Ví dụ các thuyền viên có chức danh, làm việc trên tàu, thuộc biên chế của công ty Việt Nam nhưng được công ty tạo điều kiện để họ tham gia đi XKLĐ thì bản thân họ cũng mong muốn được đóng tiếp BHXH.
"Luật BHXH và Nghị định hướng dẫn chưa có bất cứ điều kiện nào quy định, ràng buộc trách nhiệm của lao động đi làm việc ở nước ngoài về việc tham gia BHXH. Hiện cũng chưa có chế tài nào cưỡng chế các lao động này thi hành quy định tham gia BHXH bắt buộc. Do đó, khó yêu cầu người lao động tham gia BHXH” Ông Tống Hải Nam |
“Không chỉ lao động, bản thân gia đình các lao động cũng không mong muốn đóng BHXH vì trước khi đi họ phải đầu tư rất nhiều khoản. Chính vì vậy việc đóng BHXH ở Việt Nam với lao động này càng trở nên khó khăn hơn”– ông Nhật nói thêm.
Bắt buộc… nhưng chưa ràng buộc
Ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH) cho biết, trước đây, Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2006 quy định chỉ những người trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHXH bắt buộc mới thuộc đối tượng phải tham gia BHXH trước khi đi. Có khoảng trên 2.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài tham gia BHXH bắt buộc theo diện này. Tuy nhiên, để mở rộng đối tượng tham gia, Luật BHXH năm 2014 (có hiệu lực từ ngày 1.1.2016) quy định tất cả lao động đi làm việc ở nước ngoài dù tham gia hay chưa tham gia BHXH trước đó đều phải đóng BHXH bắt buộc và chỉ tham gia hai chế độ hưu trí và tử tuất. Hiện tại, lũy kế đã có 3.500 lao động nước ngoài tham gia BHXH (tính cả số cũ và số lao động tham gia từ đầu năm 2016 tới nay).
Mặc dù có khá nhiều quan điểm trái chiều về việc thực hiện đóng BHXH cho lao động đi XKLĐ, nhưng ông Tống Hải Nam – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) khẳng định, đây là chính sách nhân văn, góp phần bảo đảm an sinh cho người lao động khi về già. Ông Nam khẳng định: “Không có chuyện lao động phải đóng quá nhiều loại bảo hiểm cùng một lúc khi đi xuất khẩu lao động. Bảo hiểm mà lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải đóng tại nước sở tại thường là: Bảo hiểm lao động, bảo hiểm hồi hương, bảo hiểm rủi ro, bảo hiểm y tế… để được chi trả các chi phí liên quan khi gặp rủi ro, tai nạn, ốm đau… trong quá trình làm việc tại nước ngoài. Loại này sẽ được thanh toán một lần khi hết hạn hợp đồng lao động. Không phải là BHXH để hưởng lương hưu, tử tuất như ở Việt Nam”.