Dân Việt

Cục trưởng Cục ATTP: Ở Mỹ còn ngộ độc thực phẩm nữa là VN (?!)

Hiếu Nguyễn 22/09/2016 10:09 GMT+7
Lý giải vì sao người Việt Nam bị ngộ độc nhiều thế, TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng ngộ độc ở Việt Nam là chuyện thường vì ở các nước đã phát triển cũng bị.

Phát biểu chiều qua (21.9) tại Diễn đàn chính sách An toàn thực phẩm ở Việt Nam, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho rằng tình trạng ngộ độc ở Việt Nam hiện nay là chuyện thường trên thế giới và số lượng người ngộ độc như vậy chưa phải là cao.

img

TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục an tòan thực phẩm (Bộ Y tế) phát biểu tại diễn đàn

“Bởi ở Mỹ, hơn 300 triệu dân mà một năm theo thống kê của CDC (Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh của Mỹ) thì khoảng trên dưới 70 triệu lượt người tiêu chảy liên quan đến chất lượng thực phẩm. Một đất nước mà đời sống rất cao như vậy, môi trường tốt hơn chúng ta, quy chế chặt chẽ hơn mà còn cao như vậy thì chắc chắn ở Việt Nam chúng ta nếu có cao hơn cũng là chuyện thường. Huống chi ở Việt Nam chỉ có vài nghìn người bị ngộ độc, mặc dù con số này có thể không chính xác vì chúng ta chưa có hệ thống giám sát ngộ độc” – ông Phong lý giải hùng hồn. 

Trước thông tin cho rằng tỷ lệ người mắc ung thư do sử dụng thực phẩm bẩn chiếm khoảng 35%, ông Phong không đồng tình. “Chúng ta không phủ nhận ung thư có một phần do thực phẩm nhưng cũng có nhiều yếu tố khác liên quan như có trên dưới 20% dân số mắc viêm gan B, trong đó có tỉ lệ rất lớn dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Còn ung thư dạ dày là do vi khuẩn HP. Ung thư phổi là do thuốc lá. Ung thư cổ tử cung chắc chắn không phải do thực phẩm” - TS Phong giải thích.

Nhìn nhận việc thực phẩm bẩn tràn lan cũng có trách nhiệm của bộ phận quản lý, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong giải thích có một nguyên nhân khách quan là ngành còn rất thiếu nhân lực và cán bộ chuyên trách về thực phẩm ở tuyến phường xã. Không chỉ thiếu về số lượng mà còn yếu cả chuyên môn.

img

Một vụ ngộ độc thực phẩm tập thể diễn ra tại trường tiểu học Trần Quang Khải (TP.HCM) vào năm 2016.

Nhân lực trong ngành rất mỏng trong khi đối tượng quản lí của ngành thực phẩm lại quá đông. Cả nước hiện có 9,4 triệu hộ nông dân mà nhà nào cũng trồng rau nuôi gà, thả cá và có tới 500.000 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm.

“Ngay cả tôi chịu trách nhiệm quản lí về thực phẩm nhưng cũng không được đào tạo bài bản về an toàn thực phẩm. Hiện nay chưa có một trường nào đào tạo về an toàn thực phẩm cả”, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong thằng thắn bộc bạch.

TS Phong cho biết ông vốn học ở trường đại học về dược, ra trường đi làm ở doanh nghiệp, sau đó làm nhà nước một thời gian rồi vừa học vừa làm mới chuyển sang ngành thực phẩm.

Tại diễn đàn, ông Nguyễn Tử Cương, Nguyên Cục trưởng Cục quản lý chất lượng Nông, Lâm sản và Thủy sản, Bộ NN&PTNT công bố kết quả điều tra của Trung tâm thông tin phi chính phủ (NGO-IC), thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học Việt Nam vào năm 2015. Theo đó, 64,5 % người được khảo sát đánh giá hoạt động quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của Việt Nam hiện nay là không đạt yêu cầu.