Ông Y Linh A Đrơng - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đăk Lăk
Kết thúc giai đoạn 2010-2015, Đăk Lăk chỉ còn 19 xã ĐBKK, nhưng giai đoạn này, số xã thuộc diện ĐBKK là 32, chưa kể các xã đang đề nghị bổ sung trong năm nay. Vậy theo nhìn nhận của ông, đâu là nguyên nhân của vấn đề?
- Thực tế của Đăk Lăk là do điều tra chưa thật chính xác, điều tra đa chiều rồi vẫn chưa phản ánh đúng, một số vùng vẫn còn bệnh thành tích. Vừa rồi, tôi có đối thoại với người dân của buôn Ea Rang, phường Khánh Xuân thành phố Buôn Ma Thuột. Ở đó, số hộ nghèo có sổ là khoảng 7-8 hộ nhưng họ đến dự là khoảng 53 hộ. Họ nói là họ vẫn nghèo. Và họ nói là chúng tôi nghèo, cũng mắc cỡ lắm, không muốn mình nghèo nhưng bây giờ thực sự họ không có việc làm, đất đai không có, chẳng có thu nhập gì để hết nghèo. Họ nói họ không muốn lấy sổ nghèo đâu nhưng giờ địa phương giải quyết đất sản xuất cho chúng tôi. Tính toán sơ sơ một buôn như thế, tỷ lệ nghèo thật với nghèo trên sổ sách cách xa nhau lắm, nhưng mới đi một buôn thôi nên tôi chưa thể khẳng định hết.
Không chỉ đồng bào ở các nơi khác đến định cư lập nghiệp đang thiếu đất mà ngay đồng bào sở tại cũng đang trong tình trạng khó. Vậy việc triển khai Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ đất sản xuất ở Đăk Lăk đang vướng gì, thưa ông?
- Khó khăn về đất sản xuất có hai vấn đề. Thứ nhất là mức hỗ trợ của Chính phủ vẫn thấp. Thứ hai không còn quỹ đất, nếu quỹ đất của các nông lâm trường chuyển đổi cũng phức tạp. Phần lớn diện tích đất sản xuất về danh nghĩa do nông trường quản lý nhưng thực tế người dân đã sản xuất trên đó rồi. Mà diện tích đó, các nông trường người ta muốn trả lại vì người ta không quản lý. Nhưng nếu trả lại cũng không thể sử dụng quỹ đất đó để cấp cho đồng bào vì đã có chủ.
Thưa ông, đã có những nông trường muốn chuyển giao đất nhưng không thể được là do đâu?
- Thủ tục chuyển đổi đất rừng cực kỳ khó. Như theo quy định của Bộ TNMT, phải có phương án trồng lại rừng. Đồng bào đã không có đất, thiếu đất sản xuất, bây giờ cấp đất cho đồng bào trồng lại rừng là một chuyện rất vô lý, rồi phải có báo cáo tác động môi trường... Hiện nay không phải các huyện không muốn mà thấy thủ tục vất vả nên chùn, rồi lại không làm. Có Quyết định 755 của Thủ tướng chính phủ nhưng các nghị định khác yêu cầu doanh nghiệp, nếu muốn trả đất phải làm đơn tình nguyện trả lại đất.
Tiến độ giải quyết đất sản xuất đang rất chậm liệu có ảnh hưởng tiếp đến các dự án đang dở dang?
- Đó là một vấn đề khó của Đăk Lăk để chuyển đổi đất rừng. Chúng tôi cũng đang băn khoăn nhất là những dự án dở dang liệu có tiếp tục được làm không hay cũng dừng lại. Theo tôi, cũng sẽ ảnh hưởng vì các dự án đã khảo sát thiết kế mà dừng lại, ngân sách cũng mất 1 phần, mục tiêu giao vốn cũng không đạt. Mục tiêu là cấp đất cho đồng bào mà không có đất, sẽ ảnh hưởng tiến độ cấp đất. Tại hội nghị UBND tỉnh, tôi nêu quan điểm đề nghị ủy ban tỉnh xin ý kiến Chính phủ tiếp tục làm những dự án dở dang. Còn những dự án chưa vào cuộc, có thể không tiếp tục làm.
Xin cảm ơn ông!