Sao lại trưởng thôn mà không là bí thư, chủ tịch xã? Có lẽ vì trưởng thôn, già làng là kiểu cán bộ quản lý nửa trong nửa ngoài, có phụ cấp nhưng không thuộc hẳn biên chế nhà nước, quyền lợi "viên chức" hầu như không có gì đáng để họ bị cột chặt vào cấp trên mà uốn lưỡi, cơ hội.
Ưu thế của họ là gần dân, mà là những cán bộ gần dân nhất, do dân trực tiếp bầu, nếu dân không thích hay đi ngược lại quyền lợi, nguyện vọng của dân là dân cho “bay” ngay, kể cả già làng. Cho nên gặp già làng, trưởng thôn để nghe ý dân là chuẩn, là chính xác. Đó cũng là một cách giảm bớt khiếu kiện vượt cấp.
Cuộc họp có tác dụng vì tỉnh đã nghe được nhiều ý kiến "nghịch nhĩ". Trong cuộc này, các già làng và trưởng thôn đã nói toạc những chuyện vô lý, bức xúc, ví như: "Chính quyền luôn nói thu hồi đất người dân và sẽ tái định cư chỗ mới tốt hơn chỗ cũ nhưng không có gì đổi mới hết. Điện, đường, trường, trạm y tế... đều không có hoặc làm rất tệ. Đất đền bù giá 800.000 đồng/m2, trong khi đó người dân bán ngoài giá 5-6 triệu đồng/m2, chịu sao được?"; hay: "Tiền áp giá đền bù không thỏa đáng dân lấy gì làm nhà và tái đầu tư sản xuất. Cuối cùng thì dân phải quay vào núi làm rẫy, phá rừng, người nghèo càng nghèo thêm". Lãnh đạo mà để "người nghèo càng nghèo thêm" là nguy rồi!
Nghe dân là để biết mà lãnh đạo, ra chủ trương thuận ý, thuận tình và nguyện vọng của dân. Suy cho cùng, nghe dân để tỉnh ngộ, dẹp cái lòng tham đất tham tiền của mấy ông quan tham, mấy anh doanh nghiệp vô lương tâm. Nghe dân cũng để biết sợ dân.
Hiểu lòng dân, đánh giá được sức mạnh của dân, kiềm chế được lòng tham thì công tác lãnh đạo thuận buồm xuôi gió. Mong rằng, nghe dân để tỏ lòng thành chứ không phải để đối phó. Trải lòng thành với dân, dân sẽ đáp lại bằng lòng thành.
Nguyễn Quang Thân