Dân Việt

Thôn nghèo Nà Loòng liêu xiêu vì nhà máy xả thải

Hoàng Anh Tuấn - Thanh Thiên 24/09/2016 06:00 GMT+7
Cá dưới suối chết trắng bụng nổi lềnh bềnh dọc hai bên bờ, gà vịt xuống suối kiếm ăn, trâu bò uống nước suối cũng lăn ra chết, mùi hôi thối nồng nặc phủ khắp thôn nghèo Nà Loòng (xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn). Nhiều năm nay người dân Nà Loòng gửi đơn kêu cứu, tố cáo hành vi gây ô nhiễm của Nhà máy Chế biến da Nguyên Hồng nhưng tới nay sự việc vẫn rơi vào im lặng…

Cuộc sống đảo lộn

Theo phản ánh của người dân, thôn Nà Loòng - nằm trên vùng giáp ranh với biên giới Trung Quốc vốn là vùng đất bình yên. Nhưng từ năm 2008, khi Nhà máy Chế biến da Nguyên Hồng (thuộc Công ty Nguyên Hồng) về đây hoạt động thì cuộc sống người dân gần như đảo lộn hoàn toàn.

img

Nước thải  từ nhà máy chế biến da Nguyên Hồng đổ thẳng xuống suối Khuổi Luông qua 2 đường ống. Ảnh: T.T

Nhà máy Chế biến da Nguyên Hồng vốn hoạt động ở bên kia biên giới nhưng không hiểu vì sao năm 2008 lại chuyển về thôn Nà Loòng. Nhà máy ở đây được xây dựng rất nhanh và chỉ khi đi vào hoạt động gây ô nhiễm người dân mới biết có nhà máy chế biến da nằm ở trên đất của thôn”.

Một người dân giấu tên

Theo chân người dân đến nhà máy, xộc vào mũi chúng tôi là mùi thịt thối bốc lên từ những khối da đen kịt đã qua chế biến được hàng chục công nhân phơi dọc Quốc lộ 4A. Bên trong nhà máy là hàng tấn da chờ xử lý, ngâm hóa chất đang chứa đấy trong hàng trăm thùng phuy lớn cỡ vài trăm lít.

Theo tìm hiểu của phóng viên, quy trình xử lý da được bắt đầu từ việc cho hàng tấn da thô còn nồng nặc mùi hôi thối vào bỏ lớn rồi tưới nước lấy từ dòng Khuổi Luông hòa với hóa chất để tẩy rửa. Sau khi những tấm da đã trơn tru được đưa vào nhà máy đốt để ép chuyển hóa thành da công nghiệp. Thành phẩm da sau đó được đóng gói xuất sang Trung Quốc để sản xuất thành áo, túi, giày, dép...

Theo quan sát, Nhà máy Chế biến da Nguyên Hồng nằm trên mảnh đất rộng hàng hàng nghìn mét vuông chạy dọc theo Quốc lộ 4A, thuộc địa phận thôn Nà Loòng. Phía trước mặt nhà máy là Quốc lộ 4A được bịt kín mít, chỉ có vài cánh cửa thỉnh thoảng được mở khi có người ra vào, còn phía sau là dòng suối Khuổi Luông. Để vào được phía trong nhà máy, ngoài việc đi vào bằng cổng chính thì mọi con đường tiếp cận xung quanh nhà máy đều rất khó khăn.

Dẫn phóng viên men theo con suối Khuổi Luông vài người dân tỏ ra ngao ngán: Trước khi nhà máy chế biến da về, suối Khuổi Lông là nơi đầy ăm ắp cá suối, lươn... Người dân chỉ cần mang công cụ bắt cá ra suối khoảng 1 tiếng là có đủ mồi nhắm cho cả chục người. Vậy mà giờ đây, nó lại trở thành dòng suối chết, nước đen sì đậm mùi hôi thối từ thịt, da lợn, trâu, bò.

Đi khắp cùng đường thôn Nà Loòng đâu đâu phóng viên cũng thấy người dân vừa đi xe, vừa bịt mũi. Không chịu nổi mùi hôi thối hít phải, phóng viên cũng bị chóng mặt và bị nôn.

Gà, cá, vịt, trâu… chết sạch

Anh L.V.B sống cách nhà máy này 100 mét cho biết: Ngày trời lặng gió mùi hôi thối thoang thoảng len khỏi khắp nơi. Ngày oi bức, mùi thối mới khủng khiếp vì bê bát cơm lên không ai nuốt nổi.

img

Trưởng thôn Nà Loòng Hoàng Văn Hậu trao đổi với phóng viên trong tâm trạng lo lắng. Ảnh: T.T

Tiếp tục thị sát hiện trường, phóng viên đã đi vòng về phía sau nhà máy và quan sát thấy khu chứa nước thải có đến 5-6 bể chứa nước màu trắng đục đang sùng sục và bốc lên mùi hôi thối nồng nặc. Ở khu vực bể giáp với dòng suối Khuổi Luông có 2 ống nhựa đường kính khoảng 10cm được cắm thẳng xuống đất. Từ 2 đường ống này nước màu trắng đục, mùi hôi nồng ồng ộc chảy ra. Do tất cả các bể hóa chất đều không có nắp che chắn nên mùi hôi thối tỏa ra nồng nặc. Người dân cho biết, trong những trận mưa họ đã chứng kiến nước ở trong các bể chưa qua xử lý này chảy tràn ra ngoài đổ thẳng ra dòng suối.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hậu - Trưởng thôn Nà Loòng cho biết: Trước đây khi nhà máy mới được xây dựng thì bể chứa nước thải rất nhỏ và gần như xả thẳng trực tiếp xuống suối. Vào ngày nắng quan sát được rất rõ lớp cặn chỗ màu trắng, chỗ màu đen đọng lại trên đất. Do bị người dân phản ứng gay gắt, cộng với hiện tượng cá, gà, vịt chăn thả tại suối chết hàng loạt, người dân bị dị ứng, mẩn ngứa sau khi lội suối Khuổi Luông thì nhà máy mới cho xây dựng thêm các bể xử lý.

Cũng như ông Hậu, hàng trăm, hàng nghìn người dân xã Tân Mỹ đều sống dọc theo con suối Khuổi Luông. Ngày xưa, họ thường dùng con suối này để lấy nước sinh hoạt nhưng từ khi nhà máy gây ô nhiễm, không ai còn dám lội qua suối nữa. “Nhiều năm qua nhà máy không có hướng xử lý nên có thể chất độc đã ngấm vào đất, theo mạch nước vào tận giếng nước của người dân. 5 năm về trước, xã Tân Mỹ này không một ai bị ung thư, nhưng vài ba năm gần đây căn bệnh này bỗng dưng xuất hiện gõ cửa nhiều nhà. Tôi mới đi thăm bà Hoàng Thị Kim vốn là người rất khỏe mạnh ở trong thôn bỗng dưng đổ bệnh, đi khám bác sĩ chẩn đoán bị mắc ung thư gan…” - ông Hậu than phiền.

Theo ông Hoàng Văn Hậu - Trưởng thôn Nà Loòng, nhiều năm nay người dân liên tục gửi đơn kiến nghị lên xã, tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh nhưng trả lời phóng viên, ông Hoàng Minh Hạnh - Chủ tịch xã Tân Mỹ cho hay, ông chưa nhận được đơn thư phản ánh nào của người dân (!?).