Với số lượng các cụm- tuyến dân cư vượt lũ được hình thành ngày càng nhiều, một vấn đề đặt ra là các cụm- tuyến này có được đưa vào “danh sách” xây dựng NTM không?
Cụm dân cư được bố trí vài trăm hộ và có các cơ sở hạ tầng như trường mẫu giáo, trường tiểu học, trạm y tế, chợ trung tâm... Với quy mô của mỗi cụm- tuyến chỉ tương đương một ấp (tức thôn), có nghĩa là cụm- tuyến đó chưa phải là xã, do đó không thể xác định được phạm vi quy hoạch ở đây đến đâu, bao nhiêu cụm-tuyến thì được coi tương đương một xã.
Kế đến là vấn đề xây dựng điện, đường, trường cùng các công trình hạ tầng khác như thủy lợi, chợ, bưu điện... ở các cụm- tuyến dân cư cũng cần được xác định xem phải xây dựng như thế nào để đảm bảo tiêu chí về NTM.
Đặc biệt là bộ máy quản lý các cụm- tuyến dân cư phải được thiết lập, mỗi cụm có một bộ máy lãnh đạo, hay 3-4 cụm có một bộ máy hoặc các cụm- tuyến dân cư đó vẫn chịu sự quản lý của xã cũ... Rồi đến cả vấn đề thu nhập, chuyển dịch cơ cấu lao động, đào tạo nghề... cũng là những vấn đề cần phải xem xét với các cụm- tuyến dân cư vượt lũ.
Chiểu theo 19 tiêu chí về xây dựng NTM, có thể nói hiện chưa biết “xếp” các cụm- tuyến dân cư vượt lũ vào đâu. Bởi theo như lãnh đạo một số tỉnh vùng ĐBSCL, với đặc thù của mình, khu vực này không thể xây dựng NTM theo tiêu chí chung như Quyết định 491 được, vì có những tiêu chí vượt quá khả năng của địa phương. Đối với các cụm - tuyến dân cư vượt lũ cũng vậy, chúng ta cần xác định rõ từng tiêu chí cụ thể về NTM, bởi không thể “bê” nguyên tiêu chí của các vùng nông thôn đã hình thành từ nhiều năm áp dụng vào các cụm- tuyến dân cư mới.
Chính phủ đã có chủ trương tiếp tục đầu tư xây dựng các cụm- tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 2 (2011-2015), như vậy trong tương lai sẽ còn có nhiều cụm- tuyến được hình thành, ngay từ bây giờ, chúng ta cần xây dựng cho các cụm- tuyến dân cư này một tiêu chí riêng về NTM .
Ngọc Lê