Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động sáng nay 24-9, Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc Công an TP Hà Nội, cho biết đã giao cho Văn phòng Cơ quan điều tra (PC44, Công an TP Hà Nội) làm rõ nội tình trường hợp hành hung phóng viên.
Thiếu tướng Đoàn Duy Khương khẳng định: “Tôi sẽ cho xử lý nghiêm minh, công khai. Phía Công an Đông Anh mới chỉ báo cáo về vụ việc chứ chưa báo cáo việc va chạm với báo chí”.
Phóng viên Quang Thế- áo trắng- bị cảnh sát hình sự mặc áo thường phục màu đen ra cú đấm vào mặt - Ảnh cắt từ clip
Người đứng đầu Công an TP Hà Nội cho hay PC44 đang xác minh nguồn tin mà báo chí cung cấp để làm rõ nguyên nhân, tại sao lại có việc đó và sẽ cung cấp thông tin cho báo chí một cách nghiêm túc. Việc sẽ được xem xét một cách công khai minh bạch.
“Tại sao lại dẫn đến va chạm như thế? Lực lượng công an và phóng viên phải phối hợp như thế nào cho chặt chẽ vì mục đích chung chứ trường hợp hôm qua không được” - Thiếu tướng Đoàn Duy Khương nêu rõ.
Như Báo Người Lao Động đã đưa, vào khoảng 8 giờ 30 ngày 23-9, người dân lưu thông trên đường Võ Nguyễn Giáp hướng vào trung tâm TP Hà Nội phát hiện một người đàn ông áo sẫm màu bất tỉnh ở chân cầu Nhật Tân, thuộc địa phận xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh), cách mặt cầu khoảng 20 m.
Trên cầu có chiếc ô tô 4 chỗ thuộc một hãng taxi ở Hà Nội có biểu hiện hư hỏng một số bộ phận, bên trong xe bị xáo trộn. Không lâu sau đó, nhiều phóng viên báo chí tới hiện trường ghi nhận thông tin vụ việc.
Có mặt tại hiện trường, phóng viên Trần Quang Thế của Báo Tuổi trẻ cùng nhiều đồng nghiệp tác nghiệp, chụp ảnh, quay phim khu vực xảy ra vụ việc. Lúc này lực lượng chức năng đã có mặt giải quyết trong đó có công an huyện Đông Anh ghi nhận, khám nghiệm hiện trường.
Theo tường thuật của phóng viên Quang Thế, khi anh đưa máy ảnh ra chụp ảnh thì có một chiến sĩ công an mặc cảnh phục ra nói không được chụp. Phóng viên Quang Thế đã trình giấy tờ liên quan chứng minh mình đang đi tác nghiệp. Sau đó, phóng viên Quang Thế đi ra cách xa hiện trường khoảng 30 m và chụp ảnh thì bị một nhóm người, trong đó có cán bộ chiến sĩ Đội Cảnh sát hình sự Công an Đông Anh (Hà Nội) mặc thường phục lao vào cản trở và hành hung.
Người mặc áo màu đen tiếp tục hành hung phóng viên Quang Thế - Ảnh cắt từ clip
"Họ chỉ tay, chửi thề quát tháo tôi và hai đồng nghiệp khác rồi đấm đá túi bụi vào mặt và người khiến tôi không kịp đỡ, bị chảy máu miệng, thương vùng đầu. Họ tiếp tục dồn tôi ra giữa đường hành hung trong khi xung quanh có rất nhiều ô tô lưu thông tốc độ cao. Ngoài đồng nghiệp và người dân, có nhiều công an viên chứng kiến"- phóng viên Quang Thế nói.
Cùng thời điểm, một số phóng viên khác cũng bị một số cảnh sát hình sự mặc thường phục cản trở tác nghiệp, không cho quay phim, chụp ảnh.
Trong một clip do một phóng viên của Báo Pháp Luật Việt Nam quay, phóng viên này liên tục chất vấn công an huyện Đông Anh tại sao có một số đối tượng cản trở phóng viên tác nghiệp nhưng vị công an này nói đó là người dân. Ngay cả cảnh sát hình sự mặc thường phục cũng tự nhận mình là người dân. Sau đó, khi bị truy hỏi thì một cảnh sát đã hất điện thoại của phóng viên xuống đất, thách thức.
Chiều cùng ngày, Thượng tá Phạm Nam Thắng, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật ự xã hội (Cảnh sát hình sự), Công an huyện Đông Anh, đã trực tiếp đến làm việc với Văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội để làm việc về nội dung tố cáo hành hung phóng viên.
Tại đây, Thượng tá Thắng thừa nhận cán bộ chiến sĩ của đơn vị đã có “thái độ không đúng”. Thượng tá Thắng cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc và ông thay mặt đơn vị xin lỗi báo Tuổi Trẻ và xin lỗi cá nhân phóng viên Trần Quang Thế.
Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu tối 23-9 cũng cho biết cơ quan này đã vào cuộc vụ hành hung phóng viên, yêu cầu cơ quan công an trả lời vụ việc để bảo vệ cho hội viên của mình.