Dân Việt

Cát tặc móc ruột sông Lô

26/10/2011 19:55 GMT+7
(Dân Việt) - Hàng nghìn mét vuông đất ruộng và chân đê thuộc các xã Đông Thọ, Vân Sơn, Sầm Dương (Sơn Dương, Tuyên Quang) đã bị "cát tặc" lôi tuột xuống sông Lô. Nhiều hộ mất đất, mất ruộng, quai đê bị đe dọa nghiêm trọng trong mùa mưa bão này.

Tàu cuốc "móc ruột" dòng Lô

Từ Cảng Tuyên Quang đến ngã ba Hạc dài 156km và là đoạn sâu nhất, rộng nhất sông Lô, mùa khô tàu thuyền vẫn qua lại được. Cát sông Lô có chất lượng tốt, độ kết dính cao, nên mỗi ngày có cả trăm chiếc tàu đến đây khai thác cát, sỏi.

img
Cát tặc hoành hành trên sông Lô, đoạn qua Sơn Dương (Tuyên Quang).

Chúng tôi đến xã Sầm Dương, mặc dù còn cách bờ sông cả cây số, nhưng đã nghe tiếng máy hút cát gầm rú. Đứng trên triền đê nhìn xuống có tới 40 chiếc tàu đang thi nhau "moi ruột" dòng Lô. Máy xúc, cẩu, tàu to, tàu nhỏ thi nhau thò gầu, cuốc xuống lòng sông moi móc cát, sỏi… Có tàu còn đậu sát bờ đê moi cát, khiến dòng sông như thụt hẫng khúc nông, đoạn sâu, quằn quại đỏ ngầu.

Lẫn trong tiếng máy là tiếng đất ruộng, chân đê sạt lở. Gần đó, các chân đê, mặt ruộng bị nứt toác, rồi từ từ đổ nhào xuống sông. Đang mải theo dõi những con "kền kền sắt" moi ruột dòng Lô, tôi bỗng giật mình bởi tiếng đổ rầm bên kia bờ. Đảo mắt qua, thì bụi tre giữ đê vừa đứng sừng sững kia đã lộn nhào xuống sông. Nhìn xuống chân, tôi rùng mình bởi khu đất tôi đang đứng cũng đang từ từ nứt ra…

Ngược về xã Quyết Thắng, Vân Sơn, Hưng Thiện… vẫn cảnh dưới sông những con tàu cuốc ngày đêm moi cát. Và hai bên bờ là những đoạn sạt lở dài cả cây số, có nhiều chỗ chỉ cách chân đê 8 - 9m. Lạ thay, "công trường" khai thác cát, sỏi trên sông Lô rầm rộ là vậy, nhưng chẳng thấy bóng dáng cơ quan chức năng nào. Những chủ tàu cứ thản nhiên moi móc lòng sông như chốn không người!

Nguy hiểm rình rập

Huyện Sơn Dương có 28km đê, 48 cống thoát lũ đang bảo vệ cho hàng vạn nông dân. Vài năm gần đây, khi nạn khai thác cát rộ lên, con đê này đang bị sạt lở rất nghiêm trọng. Mặc dù thân đê chưa được bê tông, nhưng mỗi ngày phải gánh hàng chục chuyến xe tải chở gạch, cát sỏi trườn qua. Xe chở quá tải, khiến mặt đê chằng chịt ổ trâu, ổ voi. Nhất là khu xã Vân Sơn, Quyết Thắng, Hưng Thành... có nhiều điểm sạt lở kéo dài cả nghìn mét, chân đê chỉ cách mép sông 10 - 15m.

Ông Tiêu Mạnh Tường - Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho hay: "Xã có 5km đê, 7 cống thoát dưới đê và đang bảo vệ cho 700 hộ với 3.196 khẩu. Hiện nạn khai thác cát sỏi khiến bờ sông sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích ruộng, hoa màu của người dân đã bị trôi xuống sông, nhưng xã không đủ thẩm quyền dẹp "cát tặc" nên đành chịu".

Ngày 1.7.2011, tỉnh Tuyên Quang đã ra quyết định cấm khai thác cát, sỏi bằng tàu cuốc. Quyết định là thế, nhưng "cát tặc" vẫn ngang nhiên hoành hành.

Ông Nguyễn Văn Sinh - cán bộ địa chính xã Vân Sơn cho biết, chưa có thống kê đầy đủ diện tích đất canh tác bị lở xuống sông, nhưng ít nhất có 52 hộ bị mất ruộng và đa phần đều nằm trong diện tích sổ đỏ. Ông Trịnh Đình Hòa - Phó Chủ tịch UBND xã Quyết Thắng cho rằng: "Trước tiên, tỉnh, huyện phải điều chỉnh lại thời gian, đối tượng cấp phép khai thác cát, sỏi; xử lý nghiêm những tàu không phép và đầu tư kè đê, nắn dòng".

Trong khi chờ các ngành chức năng xử lý, hàng ngày, những "bờ xôi ruộng mật", những bụi tre, đoạn đê giữ lũ cho người dân vẫn đang bị "cát tặc" moi móc, kéo lộn xuống sông. "Tấc đất, tấc vàng", có ai lại không tiếc khi "tấc vàng"… trôi sông (?!).