Ngày 24.9, bác sĩ Phạm Thế Thạch (Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, dù đã được điều trị tích cực nhưng một nam bệnh nhân (hơn 50 tuổi, quê ở Hải Phòng) bị hoại tử toàn thân sau khi tiêm truyền không đảm bảo vô trùng đã tử vong.
Trước đó 10 ngày, bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân này trong tình trạng sốc nặng, suy đa tạng, kèm theo những tổn thương viêm tấy, lan toả toàn bộ vùng lưng lan xuống đùi, bẹn hai bên.
Người nhà cho biết, bệnh nhân bị đau lưng nên đã đến một người cùng khu để tiêm thuốc giảm đau. Tuy nhiên, sau 3-4 ngày thì quanh khu vực tiêm truyền bị viêm tấy, vùng viêm ngày càng lan rộng nhanh chóng. Bệnh nhân bị sốt cao, vàng da, gia đình vội vã chuyển bệnh nhân đến khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Bạch Mai).
Các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nặng, suy đa tạng, các vết hoại tử trên da đã lan toàn thân, suy đa thận. Mặc dù đã được điều trị tích cực nhưng không có kết quả, bệnh nhân diễn tiến thành suy đa tạng nên phải chuyển sang khoa Hồi sức tích cực để điều trị tiếp. Cấy máu cho thấy, bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu vàng.
Hình ảnh toàn thân hoại tử của bệnh nhân (Ảnh BSCC)
Theo bác sĩ Thạch, tụ cầu vàng là vi khuẩn gây nên các bệnh nhiễm trùng cấp tính nặng nề, dễ tử vong. Tụ cầu vàng thường có dưới da, tuy nhiên chỉ khi cơ thể có các vết xước, lở loét, đặc biệt là tiêm truyền không đảm bảo vệ sinh thì tụ cầu vàng mới xâm nhập và gây nên các bệnh nhiễm trùng nặng trong đó có nhiễm trùng máu, gây suy đa tạng, người mắc rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. “đối với bệnh nhân này, có thể vết tiêm không đảm bảo vệ sinh là điểm “chí mạng” dẫn đến sự xâm nhập của vi khuẩn tụ cầu vàng” – bác sĩ Thạch cho biết.
Theo bác sĩ Thạch, sau gần 10 ngày điều trị hồi sức tích cực bằng các kỹ thuật cao như lọc máu liên tục, kháng sinh đặc hiệu liều cao.. với chi phí lên đến 250 triệu đồng nhưng bệnh nhân vẫn tử vong. Do bệnh nhân không có bảo hiểm y tế nên gia đình phải chi trả toàn bộ. Bác sĩ Thạch cũng chia sẻ, có nhiều bệnh nhân gánh chịu hậu quả của việc tiêm truyền tại nhà, đặc biệt là tiêm các thuốc giảm đau (đau lưng, đau xương khớp…) hoặc truyền dịch. Do tâm lý người bệnh ngại đến bệnh viện, thích tiêm truyền với suy nghĩ bệnh nhanh khỏi hơn nên thường tìm đến những cơ sở không được phép tiêm truyền, khám bệnh gần nhà. Các cơ sở này không đảm bảo vô trùng, kỹ thuật tiêm truyền không đảm bảo, không có phương tiện cấp cứu khi bệnh nhân bị sốc thuốc, do đó, nguy cơ bệnh nhân bị nguy hiểm đến tính mạng là rất lớn.
Hiện tại khoa Hồi sức tích cực cũng đang tiếp nhận một bệnh nhân mà hình ảnh cản quang cho thấy kim loại “lấp lánh” trong cơ thể bệnh nhân. Bệnh nhân này cho biết đã uống thuốc tễ của một bà mế. Đối với các trường hợp ngộ độc kim loại việc điều trị cũng rất khó khăn, tốn kém