Từng làm công nhân cà phê ở Gia Lai, nhưng vì vất vả, lương ba cọc, ba đồng nên năm 1993, anh Vũ Doãn Phượng (thôn Viễn Lai, xã Bối Cầu, huyện Bình Lục, Hà Nam) xin về “một cục”. Về quê với số tiền 9 triệu đồng, anh đầu tư vào chăn nuôi lợn kết hợp với nuôi gà, vịt.
Nuôi lợn được vài năm, anh nhận thấy nghề này phải đầu tư lớn mà rủi ro lại cao. "Nếu nuôi lợn kết hợp cá, hoặc vịt - cá thì được, chứ vừa nuôi lợn, vừa nuôi vịt thì rất khó. Năm 2001, tôi quyết định bỏ nuôi lợn, tập trung chuyên sâu con vịt" - anh Phượng cho hay.
Anh Vũ Doãn Phượng nuôi vịt lãi 200 - 250 triệu đồng/năm. |
Với diện tích 8 sào, trong đó có 3 sào mặt nước, hiện anh nuôi 1.000 vịt đẻ và 800 vịt thịt. Trung bình anh thu từ 600 - 700 quả trứng/ngày. Với giá trứng từ 2.300 - 2.500 đồng/quả, mỗi ngày anh Phượng thu về hơn 1,5 triệu đồng. Riêng vịt thịt, cứ 4 tháng anh xuất một lứa, trừ chi phí, còn lãi khoảng 110 - 120 triệu đồng/năm.
Theo anh Phượng, nuôi vịt dễ hơn gà, vì loại thủy cầm này ít bệnh tật, lại tạp ăn, chóng lớn. Tuy nhiên, nuôi làm sao để vịt đẻ đều, trứng to, không bệnh tật, vịt thịt nhanh lớn và thịt chắc mới quan trọng. "Khâu phòng bệnh là quan trọng nhất. Ngoài việc tiêm vaccin thì khâu vệ sinh chuồng trại cũng rất quan trọng. Chuồng sạch sẽ, vịt khỏe thì mới đẻ… trứng "vàng" được. Nhưng đừng thấy vịt đẻ ngày 2 quả mà mừng, vịt đẻ ngày 2 quả là báo hiệu bị rối loạn, hết trứng, phải thay đàn ngay" - anh Phượng chia sẻ.
Sau gần chục năm gắn bó với con vịt, ngoài nhà cửa đầy đủ tiện nghi và con cái học hành đến nơi đến chốn, anh Phượng thì anh còn được sở hữu tài sản "vô giá" là nắm bắt được tất cả các bệnh của vịt. Chỉ cần nhìn vịt đi, nghe tiếng kêu, hay nhìn phân, trứng của chúng, anh có thể bắt chính xác vịt đang bị bệnh gì và có liệu pháp chữa trị kịp thời.
Nói về dự định trong tương lai, anh Phượng cho biết: "Tôi đang dự định thuê thêm 3 sào nữa và tăng lên 1.500 vịt đẻ, 1.200 vịt thịt. Mình thạo nghề rồi, tăng đàn không đáng ngại, cứ giá trứng, thịt như hiện nay, mỗi năm cũng dư được 200- 250 triệu đồng".
Nguyễn Tùng