Dân Việt

Cách phòng ngừa và chăm sóc hiệu quả khi trẻ bị sốt phát ban

TH 03/10/2016 13:26 GMT+7
Thời tiết giao mùa là nguyên nhân gây nên tình trạng trẻ hay mắc sốt phát ban. Cách phòng ngừa và chăm sóc hiệu quả khi trẻ bị sốt phát ban sẽ giúp bố mẹ có kiến thức cơ bản nhất để chăm sóc trẻ hiệu quả.

Sốt phát ban dễ nhầm lẫn với các bệnh khác

Sốt phát ban là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ nhưng có thể gặp ở người lớn. Với biểu hiện chính là phát ban và sốt cao nên bệnh có thể bị nhầm lẫn với sốt xuất huyết, sốt virus hay sốt siêu vi.

img

Sốt xuất huyết là bệnh có thể phát triển thành dịch nguy hiểm. Biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết thường là sốt cao liên tục 3-4 ngày, da sung huyết (da đỏ ửng, môi khô đỏ tươi... do hiện tượng cô đặc máu), có chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam, mắt đỏ và hay kèm nôn, chân tay lạnh.

Sốt virus hay sốt siêu vi do virus sống ký sinh trên đường hô hấp và đường tiêu hóa… gây ra. Bệnh có biểu hiện sốt cao, thường từ 38-39ºC, thậm chí 40-41ºC, kèm theo triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, ho, hắt hơi, chảy nước mũi, họng đỏ… Ngoài ra, bệnh nhân bị sốt virus còn có thể bị rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, phân có chất nhầy… Người bị sốt siêu vi thường chảy nước mũi, hắt hơi, viêm đường hô hấp. Các hạch khu vực đầu, mặt, cổ thường sưng to, mắt đỏ, chảy nước mắt…

img

Sốt phát ban hầu hết là do nhiễm virus (chiếm 70- 80%), trong đó virus đường hô hấp như sởi, virus gây bệnh rubella, adeno virus, echo virus, nhóm enterovirus… luôn chiếm đa số. Sốt phát ban do virus sởi và rubella là 2 bệnh thường gặp nhất. Sốt phát ban là một bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, hầu hết trẻ nào cũng gặp ít nhất 1 lần. Bệnh sốt phát ban thường có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 1-2 tuần. Biểu hiện của căn bệnh này là nổi ban đỏ, sốt cao, có thể lên tới 40oC, có thể kèm theo đau rát họng nhẹ, sổ mũi hoặc bị sưng hạch ở cổ… Những nốt ban đỏ có đặc điểm nhỏ li ti, màu hồng, phẳng hoặc hơi nổi cộm một chút, xung quanh có thể là một quầng trắng. Ban đỏ sẽ xuất hiện lần lượt trên ngực, lưng và bụng, dần sẽ lan tới cổ và cánh tay sau đó là khắp người. Các ban đỏ này thường không gây ngứa và làm người bệnh cảm thấy khó chịu.

Cách đơn giản nhất là dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết, nếu thấy chấm đỏ đó mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay là sốt phát ban, còn nếu vẫn thấy chấm li ti hoặc sau 2 giây màu đỏ lại xuất hiện, đó là các bệnh khác.

img

Trẻ nhỏ là đối tượng dễ bị sốt phát ban

Do cơ thể có sức đề kháng kém kèm theo do sự thay đổi của thời tiết thay đổi từ hè sang thu và đông nên trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ bị sốt phát ban cao. Trẻ nhỏ, nhất là trẻ thuộc nhóm tuổi từ 6 - 36 tháng tuổi dễ bị bệnh nhất bởi trong độ tuổi này, kháng thể mới của trẻ chưa vững chắc, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện trong khi kháng thể của mẹ truyền cho trẻ từ trong bào thai đã chết đi.

Trẻ có thể bị sốt phát ban ít nhất là một lần, hoặc nhiều lần tùy theo tình trạng sức khỏe và nguyên nhân gây bệnh. Bệnh sốt phát ban lây lan qua đường hô hấp và nước bọt như 2 người dùng chung một cốc uống nước hay do ho, hắt hơi làm cho virus bắn vào không khí… nên bệnh có khả năng phát tán nhanh. Với những trẻ em có sức đề kháng thấp càng dễ bị lây nhiễm bệnh.

Hầu hết những nguyên nhân gây sốt phát ban cho trẻ là những virus lành tính, nếu được chăm sóc tốt bệnh có thể tự lành sau 5-7 ngày.

img

Cách điều trị và phòng ngừa bệnh sốt phát ban

Để điều trị bệnh sốt phát ban cho trẻ, cha mẹ cần chú ý những điều sau:

- Để trẻ được nghỉ ngơi ở nhà để tránh không lây bệnh cho những người xung quanh.

- Vệ sinh thân thể trẻ hàng ngày bằng cách lau rửa người nhanh bằng nước muối ấm. Cha mẹ không nên kiêng nước cho trẻ vì nếu không vệ sinh sạch sẽ càng làm tăng nguy cơ viêm nhiễm khiến bệnh của trẻ nặng hơn.

- Giữ ấm cho trẻ, tránh để trẻ ra nơi có nhiều gió và không khí lạnh.

- Bổ sung dưỡng chất từ các vitamin C như cho trẻ uống nước cam, chanh...để tăng cường sức đề kháng của cơ thể.

- Hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm khăn mát hoặc cho uống thuốc hạ sốt (nếu cần).

Đặc biệt với trường hợp bội nhiễm cần phải điều trị theo chỉ định của bác sĩ vì có thể xảy ra những biến chứng nguy hiểm. Nếu bệnh nhân bị sốt phát ban có dấu hiệu sốt cao, co giật cần sớm đưa vào bệnh viện để kịp thời chữa trị.

img

Để tránh bị sốt phát ban, cha mẹ nên lưu ý ngoài việc bổ sung dinh dưỡng cần thiết để tăng cường sức khỏe, cần giữ cho trẻ tránh tiếp xúc với người bị bệnh, tránh tới nơi đông người hoặc những nơi có mầm bệnh…

Tiêm vắc xin phòng bệnh 3 trong một sởi-quai bị- Rubella khi trẻ được 12 tháng - 15 tháng tuổi và tiêm nhắc liều thứ 2 khi trẻ được 4-6 tuổi cũng là biện pháp để hạn chế khả năng trẻ bị sốt phát ban do virus sởi và rubella gây ra.