Giành 2 huy chương vàng Olympic quốc gia môn Hóa học, đoạt giải ba quốc gia môn Hóa học, nhận học bổng toàn phần Asean, tiếp đó Tôn Thị Mỹ Uyên lại giành học bổng Nanyang President Graduate của Singapore với trị giá 220.000 đô la Singapore (khoảng 3,8 tỷ đồng).
Được biết, Tôn Thị Mỹ Uyên là người thứ hai của Việt Nam giành được học bổng danh giá này, đây cũng là học bổng có giá trị lớn nhất của Singapore.
Mỹ Uyên trong thư viện của Trường đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore (NTU). |
“Cách tốt nhất để học Hóa là đọc nhiều sách”
Sinh năm 1987 tại TP Tam Kỳ (Quảng Nam), là con cả trong gia đình có hai chị em, với tố chất thông minh lại chăm chỉ, từ bé Mỹ Uyên luôn là tấm gương sáng trong phong trào học tập của thành phố.
Xuất thân từ dân chuyên toán, đến năm lớp 8, Mỹ Uyên rẽ ngang sang học hóa, với sự đam mê khám phá, đức tính kiên trì cùng phương pháp học tập sáng tạo Uyên liên tiếp giành 2 huy chương vàng (HCV) trong các cuộc thi Olympic hóa học quốc gia năm học lớp 10 và 11. Cũng trong năm lớp 11, Uyên còn đoạt giải ba môn Hóa học toàn quốc.
Ngoài những thành tích học tập đáng nể, Mỹ Uyên còn là một lớp trưởng rất năng động của lớp chuyên Hóa Trường chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Uyên đi đầu trong phong trào quyên góp từ thiện, làm MC cho các chương trình văn nghệ của trường, tham gia hoạt động Đoàn...
Năm lớp 12, Mỹ Uyên giành học bổng ASEAN cho chương trình đại học (chương trình học bổng được tài trợ bởi Chính phủ Singapore dành cho học sinh trung học các nước ASEAN). Tốt nghiệp đại học với tấm bằng đỏ (trong khi chỉ 4.5/5 điểm đã đỗ bằng đỏ thì Uyên được 4.8/5 điểm), lại có nhiều đề tài khoa học được đăng trên các báo, tạp chí chuyên ngành uy tín của Singapore, cùng những tích cực trong các hoạt động xã hội…, Mỹ Uyên đã giành được học bổng Nanyang President Graduate của Singgapore với trị giá 220.000 đô la Singapore. Và cô bạn được chuyển thẳng sang học chương trình tiến sĩ ngành Hóa sinh tại Trường ĐH Kỹ thuật Nanyang.
Mỹ Uyên nhận học bổng 220.000 đô la Singapore do thầy hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật Nanyang, Singapore trao tặng. |
Bật mí bí quyết học Hóa của mình, Mỹ Uyên cho biết: “Cách tốt nhất để học Hóa là đọc nhiều sách, nếu chỗ nào không hiểu thì trao đổi với thầy và bạn. Tốt nhất là đọc sách Hóa học tiếng Anh để làm quen với những từ chuyên ngành, hơn nữa sách tiếng Anh cũng rất cập nhật những kiến thức mới, phương pháp mới so với nhưng phương pháp truyền thống trong hóa học. Điều này giúp người học có thể biến hóa hoặc sáng tạo nhiều hơn khi làm bài về phương pháp tổng hợp chất hữu cơ.
Trong hóa học hữu cơ không có đáp án cụ thể, miễn là phương pháp mình đưa ra hợp lý thì sẽ được đánh giá cao. Kiến thức hóa học khá nhiều và đôi khi khó nhớ. Nên kinh nghiệm của em là luôn có 1 cuốn sổ ghi lại những gì hay mà mình đọc được hoặc nghĩ ra. Sắp xếp những kiến thức theo những mảng khác nhau mà bản thân mình cảm thấy dễ hiểu và dễ nhớ nhất”.
Được biết, không những học Hóa “cực siêu”, Mỹ Uyên còn rất giỏi tiếng Anh ngay từ những năm cấp 3. Cách học tiếng Anh của Uyên là giao tiếp nhiều với người nước ngoài, đọc sách, truyện, xem phim, nghe nhạc tiếng Anh, tham gia sinh hoạt ở các CLB tiếng Anh… và cố gắng mỗi ngày dành một khoảng thời gian nhất định cho môn học này để ngôn ngữ "thấm" vào mình. “Có như vậy sẽ nhớ lâu và tiến bộ nhanh”, Uyên chia sẻ.
Luôn tràn đầy năng lượng
Tuy dành rất nhiều thời gian cho việc học, Mỹ Uyên không quên sắp xếp thời gian cho những sở thích riêng và hoạt động cộng đồng.
Năm thứ 2 của chương trình tiến sĩ, Uyên đã tham gia trợ giúp chuyên ngành cho các giáo sư trong trường. Uyên cũng là người chịu trách nhiệm hướng dẫn các em sinh viên thực tập, viết bài luận… Chưa đầy 1 năm nữa Mỹ Uyên sẽ hoàn thành chương trình tiến sĩ ngành Hóa sinh.
Một trong những sở thích của Mỹ Uyên là đọc sách. Sở thích này mang đến cho Uyên rất nhiều điều thú vị và niềm vui. |
Học tập và làm việc với cường độ cao nhưng Mỹ Uyên luôn tràn đầy năng lượng: “Uyên không thấy mệt vì mình yêu thích nó, Uyên cảm thấy rất vui khi học được những điều mới mẻ mỗi ngày”.
Với kinh nghiệm của người đi trước, lời khuyên của nữ học viên tiến sĩ trẻ dành cho các bạn du học sinh là học cách quản lý thời gian và cuộc sống khi xa gia đình.
“Khi mới sang Singapore, khó khăn chung của du học sinh là ngôn ngữ, làm quen với cách sống tự lập và hội nhập với xã hội mới. Ngôn ngữ tuy có khó ban đầu nhưng theo thời gian sẽ khá dần lên.
Cái khó khăn hơn là học cách tự quản lí cuộc sống của mình mà không có gia đình người thân bên cạnh. Nhớ nhà, cô đơn cũng là điều không thể tránh. Các bạn hãy giao lưu, kết bạn nhiều để tạo được một mạng lưới bạn bè rộng rãi, sẽ là chỗ dựa tinh thần cho mình khi xa nhà. Việc thường xuyên liên lạc với gia đình cũng là một cách giúp mình cảm giác không quá xa cách với người thân. Cuộc sống du học luôn mang lại những điều mới mẻ và khác biệt, nên mở rộng lòng mình để có thể hòa nhập tốt hơn”, Mỹ Uyên chia sẻ.