Dân Việt

“Có thể xử lý hình sự đối tượng trộm chó”

Lương Kết 28/09/2016 17:26 GMT+7
“Ví dụ như hành vi trộm chó, nếu vận dụng quy định mới thì có thể đánh giá đây là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, vẫn có thể xử lý hình sự, không nhất thiết phải căn cứ vào giá trị của tài sản bị trộm cắp”, luật sư Nguyễn Quang Tiến nói về quy định mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015.

Ngày 27.9, phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp khi thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an có nói: “Ngày 21.9, cho ý kiến về báo cáo phòng, chống tội phạm của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hỏi chúng tôi: Tại sao tội phạm lại nhiều như thế? Tại sao hành vi ăn cắp, ăn trộm lại nhiều thế? Tôi nghĩ phải chăng có “khoảng trống” trong quy định của pháp luật?”.

img

Hành vi trộm chó gây mất an ninh trật tự làng quê.

Theo Bộ trưởng Công an, nếu luật không thể xử lý, cơ quan công quyền không thể giải quyết sẽ nảy sinh “luật rừng”, người dân tự xử gây ra hậu quả rất đau lòng. Chưa kể tình trạng người dân mất lòng tin vào bộ máy chính quyền.

Bộ luật hình sự sửa đổi bổ sung năm 2009 đã nâng mức định lượng đối với tội Trộm cắp tài sản được nâng từ 500.000 đồng lên 2.000.000 đồng, Bộ luật hình sự 2015 vẫn giữ mức định lượng này.

Trả lời Dân Việt, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết, khi thảo luận đã có rất nhiều ý kiến xung quanh vấn đề định lượng giá trị tài sản trộm cắp để xử lý hình sự. Sau khi cân nhắc các ý kiến, Ban soạn thảo Bộ luật hình sự năm 2015 đã giữ nguyên mức định như Bộ luật hiện hành.

Để tránh bỏ lọt tội phạm đối với hành vi trộm cắp tài sản, Bộ luật hình sự mới đã bổ sung thêm quy định để xử lý hình sự đối với hành vi trộm cắp tài sản có giá trị dưới 2 triệu đồng.

Đó là người đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà vẫn tiếp tục vi phạm; Thứ hai hành vi trộm cắp dù giá trị không đến 2 triệu đồng nhưng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Thứ ba tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại; Thứ tư, người đã bị kết án về tội Trộm cắp tài sản, Cướp tài sản; Cướp giật tài sản; Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; Cưỡng đoạt tài sản; Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đó là quy định rất hay. Còn luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Với quy định trên, khi Bộ luật có hiệu lực thi hành, các cơ quan tố tụng sẽ có căn cứ để xử lý triệt để hơn với tội phạm trộm cắp.

“Ví dụ như hành vi trộm chó, nếu vận dụng quy định trên thì có thể thấy đây là hành vi gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội có thể xử lý hình sự, không nhất thiết phải căn cứ vào giá trị của tài sản bị trộm cắp”, luật sư Tiến khẳng định.

Dự kiến, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 sẽ được kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XIV (tháng 10 và 11.2016) đóng góp ý kiến và thông qua.