Lần đầu làm mẹ nên Nga rất chăm chỉ tìm đọc các sách nói về cách nuôi dạy con. Từ những trang sách hay những bài báo trên mạng, đâu đâu chị Nga cũng thấy khuyên nên khen trẻ nhiều hơn để động viên, khuyến khích bé. Vì thế, chị áp dụng triệt để cách dạy con này với mong muốn Ricky biết ngoan ngoãn, vâng lời.
Từ lúc Ricky còn bé, chị đã không tiếc lời khen con khi bé ăn hết bát bột hay khi đi tè biết gọi mẹ. Lớn lên dù Ricky có làm được việc gì dù là nhỏ nhất cũng nhận được lời khen: “Con trai mẹ giỏi quá”.
Ban đầu, những lời khen ấy rất có hiệu quả, mẹ bảo gì Ricky cũng nhanh nhẹn làm theo và cười hớn hở. Nhưng gần đây Ricky càng tỏ vẻ bướng bỉnh và dường như “nhờn” với lời khen của mẹ, dù mẹ có khen mỏi miệng, Ricky cũng lì ra và coi như không nghe thấy gì…
Hậu quả của khen con không đúng cách
Một lời khen không đúng cách và đúng lúc có khi còn nguy hiểm hơn những lời chê bai, nhận xét dẫn đến những hậu quả khôn lường mà cụ thể nhất là trong việc hình thành nên tính cách trẻ. Những tính cách này sẽ theo trẻ suốt cuộc đời và ảnh hưởng không nhỏ đến thành công hay thất bại sau này của trẻ.
Các chuyên gia tâm lý đánh giá cao chất lượng lời khen hơn là số lượng. Nếu lời khen là chân thật, bé sẽ biết cố gắng. Còn nếu chỉ khen cho có lệ, bé sẽ chẳng hứng thú nữa. Tuy nhiên, khen liên tục lại làm giảm giá trị của lời khen. Ngoài ra, nó cũng khiến cha mẹ nhanh bị cạn vốn từ. Nhiều cha mẹ chỉ quanh quẩn với những câu khen chung chung, đại khái như: “Con giỏi quá”, “Con tài quá” hay “Con ngoan quá”… Kết quả, bé nghe quen tai thì nhanh chán và không còn háo hức với lời khen của mẹ nữa.
Không lạm dụng khen con trước mặt người khác khi có con bên cạnh: Nhiều ông bố bà mẹ rất tự hào về con nên hay “khoe con” trước mặt người khác khi trẻ đang có mặt ở đó. Khi cha mẹ khen con nhất định sẽ nhận được những lời tán đồng từ khách vì họ không nỡ làm mất đi niềm tự hào của cha mẹ. Thế nhưng những lời khen của cha mẹ cùng với những lời khen từ khách sẽ khiến trẻ “bội thực”. Lời khen vượt quá năng lực sẽ khiến trẻ phải gồng mình lên quá sức.
Nếu cha mẹ khen không chân thực, bé có thể mất lòng tin ở cha mẹ. Nguy hiểm hơn, bé còn không tin ở những lời khích lệ tích cực của cha mẹ. Kiểu khen chung chung còn khiến bé nhạy cảm dễ bị tổn thương. Cần khen bé thật chi tiết. Điều này giúp bé biết, bé được mẹ đánh giá cao vì cái gì; ví dụ: “Ông mặt trời con vẽ còn đẹp hơn hình trên tivi nữa”, hoặc: “Con biết nhường phần ăn cho em khiến mẹ vui lắm”. Cũng nên khen ngợi ngay khi bé có hành vi tốt, tránh để lâu vì cảm xúc có thể bị “nguội”.
Một điều nữa cha mẹ nên nhớ là không được “quay lưng” khi khen con. Cần nhìn vào mắt con, mỉm cười và khen ngợi. Ngôn ngữ và cử chỉ vui vẻ của mẹ có thể “lây” sang bé. Khi ấy, lời khen sẽ phát huy hết tác dụng của nó.