Dân Việt

Chủ xe bị ngập ở Sài Gòn được bồi thường thế nào

Hải Duyên 29/09/2016 08:45 GMT+7
Hơn 1.000 chiếc bị nhấn chìm trong nước sau cơn mưa lịch sử, nhiều người yêu cầu chủ bãi giữ xe phải bồi thường nhưng bị từ chối vì "ngập nước là thiên tai ngoài ý muốn".

Cơn mưa lớn nhất trong 40 năm xảy ra hôm 26/9, đã làm hàng nghìn xe máy, ôtô ngập sâu dưới các tầng hầm, bãi gửi xe ở TP HCM bị chết máy, hư hỏng. Trong đó, 800 xe máy của sinh viên bị ngâm dưới 2 m nước ở tầng hầm ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM.

Riêng bãi giữ xe trên đường Nguyễn Siêu, quận 1, có hơn 1.000 chiếc bị nhấn chìm trong nước sâu 1,5 m. Nhiều người yêu cầu chủ bãi xe phải bồi thường nhưng nhà xe cho rằng "ngập nước là thiên tai ngoài ý muốn" nên từ chối.

Là chủ chiếc xe tay ga gửi tại bãi này, chị Yến cho biết, phải mất gần một ngày sau trận mưa lịch sử, xe của chị mới được đưa lên. Chiếc xe bị bụi đất phủ kín, gãy gương và không thể nổ máy nên chị phải nhờ người đẩy về nhà ở tận huyện Hóc Môn, đưa vào tiệm sửa. 

"Tôi để xe ở tiệm quen từ đêm qua, đến nay vẫn chưa biết nó hư hỏng những gì. Tiệm sửa xe nói phải tháo hết ra kiểm tra nên mất nhiều thời gian. Nhẹ cũng mất cả triệu, còn nếu nước tràn vào bên trong máy thì phải vài triệu. Dù không ai mong muốn nhưng nếu thiệt hại lớn tôi sẽ yêu cầu chủ bãi giữ xe bồi thường", chị Yến nói và cho hay nhiều người đã đến làm việc với chủ bãi giữ xe về vấn đề này. 

img

Hàng nghìn xe máy, ôtô bị ngập trong nước sau trận mưa lịch sử hôm 26/9. Ảnh:Tùng Duy.

Anh Hoàng Anh (ngụ quận Tân Bình) chia sẻ, cơn mưa lịch sử khiến bãi gửi ở gần nhà anh bị ngập nặng, chiếc Mazda của anh cùng gần 50 ôtô khác bị ngâm trong nước gần một ngày. Đến trưa hôm qua anh mới thuê cứu hộ đưa ra khỏi bãi. Anh đã liên hệ với công ty bảo hiểm để hỏi về trường hợp của mình nhưng nhân viên công ty này bảo không được chi trả dù anh có mua bảo hiểm thủy kích cho xe. 

"May là máy không bị hỏng nhưng nước tràn vào sàn làm nội thất hư hỏng. Bước đầu sửa hết gần 10 triệu đồng nhưng vẫn chưa xong. Trước mắt tôi lo sửa xe, chuyện yêu cầu bồi thường sẽ nói chuyện sau", anh Hoàng Anh nói.

Xác định trách nhiệm bồi thường cho chủ xe, luật sư Tống Minh Phú - Đoàn luật sư TP HCM cho biết - khi nhận giữ xe cho khách, giữa chủ bãi và chủ phương tiện đã thiết lập cam kết về quyền lợi cùng trách nhiệm của nhau. Xe bị hư do va quẹt, trầy xước, gãy vỡ... chủ bãi giữ xe phải có trách nhiệm bồi thường.

Trách nhiệm này chỉ bị loại trừ khi thiệt hại xảy ra là do thiên thai, sự cố bất khả kháng. Tuy nhiên, trường hợp xe bị ngâm nước trong trận mưa vừa rồi không được xem là "bất khả kháng". Bởi chủ bãi giữ xe là đơn vị cung cấp dịch vụ để thu tiền. Họ phải lường trước và có các biện pháp đảm bảo đủ điều kiện an toàn tài sản cho khách như: đầu tư hệ thống thoát nước, máy bơm, di chuyển tài sản đến nơi an toàn... 

"Nếu anh nhận giữ xe mà không đủ các điều kiện về an toàn thì ai dám gửi. Nhưng trời mưa quá lớn và đột ngột là ngoài ý muốn, nên việc bồi thường cho chủ phương tiện cần có sự thỏa thuận trên tinh thần cảm thông của cả hai bên", luật sư Phú nói.

img

Xe của sinh viên bị ngâm gần một ngày trong tầng hầm ký túc xá Đại học Quốc gia TP HCM. Ảnh: Sơn Hòa

Còn luật sư Lưu Văn Tám nói rằng, "thế nào là trường hợp bất khả kháng" chưa được pháp luật quy định rõ. Ngoài việc chủ bãi giữ xe phải chịu trách nhiệm bồi thường thì các công ty bảo hiểm cũng phải chịu trách nhiệm, nếu chủ phương tiện có mua bảo hiểm.

Tuy nhiên, luật sư Tám lưu ý không phải tất cả bảo hiểm khi có xảy ra sự cố, thiệt hại đều được chi trả mà phải tùy thuộc vào điều kiện thỏa thuận trong hợp đồng. Thông thường đối với xe máy, chủ xe chủ yếu mua các bảo hiểm dân sự bắt buộc, còn bảo hiểm tự nguyện ít người tham gia nên trách nhiệm bồi thường không được đặt ra.

"Ôtô là phương tiện có giá trị cao nên chủ xe thường tham gia các loại bảo hiểm như tai nạn, thủy kích... Việc chi trả trong trường hợp do bị mưa ngập cần phải xem xét điều khoản cụ thể mà hai bên thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu không loại trừ trách nhiệm do bị mưa ngập thì chủ phương tiện có quyền yêu cầu bồi thường", luật sư Tám nêu quan điểm. 

Trong trường hợp được bảo hiểm chi trả thì cả ba bên gồm: chủ phương tiện, nơi giữ tài sản và công ty bảo hiểm phải ngồi lại với nhau để thỏa thuận về mức và cách thức chi trả.