Lãnh đạo Đại học Kiến trúc Hà Nội đã "đẩy" trách nhiệm cung cấp thông tin về quy trình cấp bằng Đại học cho bị can Trịnh Xuân Thanh lên Bộ Xây dựng.
Theo tìm hiểu của PV, Bộ Xây dựng - cơ quan chủ quản của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội - ban hành Quyết định 1153 ngày 13.11.2013 kèm theo Quy chế Phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí.
Tuy nhiên, trong Quy chế phát ngôn do Bộ Xây dựng ban hành, không hề thấy có Quyết định phân cấp phát ngôn cho các đơn vị trực thuộc của Bộ mà chỉ phân công người phát ngôn là Chánh văn phòng và các Thứ trưởng được ủy quyền phụ trách các lĩnh vực.
Trao đổi với Dân Việt, nhà báo Trần Bá Dung – Trưởng Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hiện tại hoạt động của báo chí vẫn căn cứ vào các quy định của pháp luật hiện hành như Luật Báo chí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12.6.1999.
“Luật Báo chí là căn cứ cao nhất và Quy chế phát ngôn của các bộ ngành cũng phải căn cứ vào quy định của Luật. Nếu Bộ Xây dựng có Quy chế phát ngôn mà không phân cấp cho các đơn vị trực thuộc Bộ thì đúng là có vấn đề, có thể gây “tắc nghẽn” thông tin”, ông Bá Dung đánh giá.
Cũng theo nhà báo Trần Bá Dung, thực tế mỗi bộ, ngành hiện nay có tới hàng trăm đơn vị trực thuộc. Nếu theo như quy chế phát ngôn của Bộ Xây dựng, mỗi khi cần các đơn vị trực thuộc cung cấp thông tin, phóng viên, nhà báo phải lên tận Bộ chủ quản để xin ý kiến thì chắc chắn thông tin sẽ bị tắc nghẽn.
“Việc quy định như thế là vô lý, không đúng với các quy định của Luật Báo chí”, ông Dung khẳng định.
Trong khi đó, trao đổi với Dân Việt sáng nay, 29.9, đại diện truyền thông của Bộ Xây dựng lại khẳng định đây là vấn đề của trường Đại học Kiến trúc Hà Nội và trường hoàn toàn đủ thẩm quyền để trả lời báo Dân Việt.
“Thực tế, ông Trịnh Xuân Thanh được cấp bằng năm 1993 chứ không phải 2003. Cái này có đầy đủ hồ sơ chứ không có gì khuất tất cả. Trong trường hợp này, các anh ấy rất máy móc (trường ĐH Kiến trúc – NV). Quy chế phát ngôn của Bộ là căn cứ theo Quy chế phát ngôn của Chính phủ, nhưng đây là vấn đề của trường chứ không phải vấn đề của Bộ. Trường đã hiểu sai về Quy chế phát ngôn của Bộ”, vị đại diện này cho biết.
Vị đại diện truyền thông của Bộ Xây dựng cũng khẳng định, ngay chiều nay sẽ làm việc với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội để phối hợp, rà soát lại toàn bộ hồ sơ liên quan tới ông Trịnh Xuân Thanh, sau đó sẽ trả lời báo Dân Việt.
Trước đó, theo thông tin phản ánh của độc giả qua đường dây nóng, có một số vấn đề chưa rõ trong việc bị can Trịnh Xuân Thanh được cấp bằng kỹ sư tại Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Cụ thể: Bị can Trịnh Xuân Thanh học tại Đại học Kiến trúc Hà Nội ngành Kỹ thuật hạ tầng và môi trường đô thị giai đoạn từ năm 1985-1990, nhưng phải tới năm 2003 mới nhận bằng tốt nghiệp?
Năm 1999, bị can Trịnh Xuân Thanh thi lại môn tiếng Nga được 7 điểm. Liệu có phải Trịnh Xuân Thanh đi học là để trả nợ môn Nga văn bị nợ năm học cuối từ 1990 để làm tốt nghiệp Đại học Kiến trúc hay không? Có quy chế nào cho phép một sinh viên bảo lưu kết quả sau 9 năm?
Thực tế, trong giai đoạn từ 1985 – 1990, quy chế bảo lưu điểm của Bộ Giáo dục – Đạo tạo là không quá 2 năm. Nếu sau thời gian bảo lưu 2 năm này không trả được thì sinh viên sẽ bị đánh trượt Đại học.
Dư luận có quyền đặt câu hỏi vì sao thời gian bảo lưu của bị can Trịnh Xuân Thanh ở Đại học Kiến trúc Hà Nội lại được kéo dài như vậy? Có sự ưu ái nào của lãnh đạo nhà trường thời gian đó đối với Trịnh Xuân Thanh hay không?
Tuy nhiên, trước những băn khoăn của độc giả, phóng viên Dân Việt đã liên hệ với trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đề nghị cung cấp thông tin nhưng sau gần 2 tuần, lãnh đạo nhà trường vẫn thoái thác trách nhiệm cung cấp thông tin và đẩy lên cho Bộ Xây dựng vì cho rằng làm như vậy mới đúng với Quy chế phát ngôn do Bộ ban hành.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Nhật Minh – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Truyền thông Phát triển (RED) cho rằng, Đại học Kiến trúc không cung cấp thông tin cho báo chí là hành vi cản trở tác nghiệp của phóng viên, cản trở cả quyền được tiếp cận thông tin của người dân thông qua báo chí. Trong khi Chính phủ và các cơ quan chức năng đang chỉ đạo mọi việc đều phải công khai, minh bạch và phải cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí thì một số bộ ngành hiện nay vẫn dựa vào Quy chế phát ngôn của bộ mình để thoái thác trách nhiệm minh bạch thông tin cho báo chí. “Thanh tra Bộ TTTT hoàn toàn có thể xử lý các vi phạm này theo quy định của pháp luật”, ông Trần Nhật Minh khẳng định. Ngay trong chiều ngày 28.9, phóng viên đã liên hệ với Bộ Xây dựng để xin cung cấp thông tin về vấn đề này và đại diện Bộ Xây dựng đã khẳng định chậm nhất sáng ngày 30.9 trường Đại học Kiến trúc Hà Nội sẽ trả lời Báo Dân Việt. |