Dân Việt

Làm việc nhà một năm “kiếm được”… 900.000 tỷ đồng?

Minh Nguyệt 29/09/2016 18:46 GMT+7
Đây là con số ước tính về tiền công cần phải trả cho làm việc nhà - khoản không được trả lương trong năm 2015 do Bộ LĐTBXH đưa ra chiều 29.9.

Trong nghiên cứu“Công việc chăm sóc không lương- Để ngôi nhà trở thành tổ ấm” do Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐTBXH) phối hợp với Tổ chức ActionAid VietNam thực hiện, cho thấy, Việt Nam có 44 triệu phụ nữ, trong đó có 22 triệu phụ nữ trong độ tuổi lao động.

Nếu tính mỗi người làm 5 giờ công việc không được trả lương một ngày thì phụ nữ Việt Nam đang đóng góp tới 110 triệu giờ mỗi ngày cho gia đình và xã hội. Năm 2015, ước tính công việc không lương đóng góp tới 20% trong tổng GDP của Việt Nam (khoảng 41 tỷ USD tương đương hơn 900.000 tỷ đồng).

img

Đa số đàn ông coi việc nhà là việc của phụ nữ. Ảnh minh họa

Kết quả nghiên cứu được thực hiện trên 9 tỉnh thành phố ở Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2016. Trung bình phụ nữ dành 5 giờ đồng hồ mỗi ngày để làm các công việc như nấu nướng, dọn dẹp, chăm sóc con….

Thời gian làm việc nhà của phụ nữ nhiều hơn nam giới từ 2 giờ đến 2,5 giờ mỗi ngày. Những công việc này tiêu tốn thời gian, thường xuyên lặp lại và đôi khi là những lao động nặng nhọc, khiến nhiều phụ nữ phải hy sinh nhiều quyền lợi khác của mình.Trong khi đó, công việc này thường không được các thành viên khác trong gia đình coi trọng. Ngay cả cộng đồng hay chính phụ nữ đều coi việc nhà là việc vặt, việc không quan trọng, bị coi nhẹ.  

Bà Sơn Thị Na Qui, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 8, Thành phố Trà Vinh (Tỉnh Trà Vinh)– Đơn vị được khảo sát cho biết, chỉ có một bộ phận nam giới là cán bộ, sau khi tham gia các cuộc họp, tập huấn tại địa phương được thay đổi nhận thức thì mới làm việc nhà.

“Tuy nhiên, họ chỉ làm các công việc như đưa đón con đi học, sửa chữa đồ điện. Còn tuyệt nhiên họ không làm các công việc như lau dọn nhà, rửa bát, lau cọ bồn cầu…” – bà Na Qui nói.

Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAidVietNam cho rằng: “Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới nghèo đói, khiến phụ nữ không có cơ hội phát triển. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới phụ nữ mà còn ảnh hưởng cả tới những thế hệ sau”.

Theo ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới, cần phải có những tác động chính sách để thay đổi về quyền bình đẳng giới giữa nam và nữ, để mọi người có ý thức trong việc  phân công và san sẻ các công việc không lương.