Thương nhớ chợ phiên
Đã thành lệ, thứ 7 hằng tuần, vào ngày chợ phiên là ông Vàng Seo Dinh (người xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, Lào Cai) lại thu xếp công việc xuống chợ Cán Cấu, khi thì để xem chợ ngựa, khi thì khoe con chim rừng, khi thì chỉ để ăn bát thắng cố, uống bát rượu với bạn bè... Hành trình cùng ngựa “rẽ mây đi” của ông không còn gập ghềnh như bao nhiêu năm trước, bởi con đường tới chợ đã được làm lại từ cách đây vài năm, rộng hơn và cũng đông vui nhộn nhịp hơn. Nhưng với vốn tiếng Kinh ít ỏi của mình, ông cũng chỉ cười và nói “thích chợ ngày xưa” hơn.
Chợ phiên Bắc Hà, Lào Cai là điểm đến ưa thích của nhiều du khách trong và ngoài nước. Ảnh: T.A
Văn minh, hiện đại là tốt, song không thể bỏ qua truyền thống. Chúng tôi lớn lên bởi những giá trị ấy và rất trân trọng nét đẹp văn hóa của cha ông để lại, tôi chỉ mong con cháu hiểu được truyền thống dân tộc mình mà gìn giữ, mà bảo tồn phát huy” - ông Vàng Seo Dinh, xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai, Lào Cai. |
Để phát triển và phục vụ du khách, chợ Bắc Hà ngày nào đã được xây mới trên nền bê tông, không còn trên một quả đồi thoai thoải. Hình ảnh nguyên sơ nhất của khu chợ nổi tiếng này đã không còn.
Tương tự như vậy, tại rất nhiều chợ hiện nay như chợ Sa Pa, chợ Đồng Văn, chợ Bắc Hà, Cán Cấu, hoạt động du lịch đã làm những khu chợ nảy sinh thêm một phần không gian dành riêng cho việc chào đồ lưu niệm cho du khách.
Những mặt hàng đồ lưu niệm này không khác mấy so với đồ bán cho khách nước ngoài tại những con phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Trống của Hà Nội. Theo anh Lò Văn Sinh, một người dân địa phương, đây không phải là đồ người dân địa phương làm. Mà nếu họ có làm thủ công thì giá thành rất đắt chứ không chỉ vài chục ngàn như vậy. Những khu vực đó dường như trầm hơn, bởi người dân địa phương anh Sinh cũng “chẳng có việc gì vào khu đó”.
Chưa kể đến ngay chính những mặt hàng trong chợ, bên cạnh những mặt hàng nông sản được bà con mang tới chợ, giờ cũng tràn ngập đồ nhập lậu, đồ chất lượng kém được bày bán. Đơn cử những hàng thắng cố, mèn mén cũng gia giảm thêm thành phần nên không còn giữ được nguyên vị của người dân tộc.
Những nét văn hóa của người dân tộc xưa kia được thể hiện rất chân thành, nay bắt đầu biến tướng. Hay những màn trình diễn để xin tiền tại những phiên chợ vùng cao đã từng khiến rất nhiều du khách trở về than thở trên những trang cá nhân, diễn đàn…Những người dân địa phương không phải ai cũng quen với việc có hàng loạt ống kính máy ảnh của khách du lịch chĩa vào khi họ đang múa khèn, ướm váy áo hay thậm chí đang ăn.
Tìm hướng bảo tồn
Điều này được những người quản lý văn hóa – du lịch tại các địa phươnnhg lưu tâm và đã có những chính sách thực hiện để có thể đảm bảo việc phát triển du lịch nhất. Theo ông Hà Văn Thắng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lào Cai, Lào Cai đang xây dựng quy hoạch lại hệ thống chợ phiên Bắc Hà.
Bắc Hà có rất nhiều chợ phiên, do đó quy hoạch này sẽ điều chỉnh lại địa điểm phân bố các chợ để làm sao khách du lịch có thể đến tất cả các chợ một cách dễ dàng nhưng vẫn thuận lợi cho bà con xuống chợ buôn bán. Quan trọng nhất là đảm bảo hài hòa giữa phát triển du lịch, thu hút du khách và đảm bảo mọi sinh hoạt đời sống hằng ngày của bà con không bị xáo trộn.
“Chợ phiên là một nguồn tài nguyên có thể phát triển du lịch. Tuy nhiên, để giữ được bản sắc của chợ và đặc trưng của mỗi dân tộc thể hiện trong phiên chợ, cả nhà quản lý, doanh nghiệp du lịch đều phải dựa vào người dân địa phương – những chủ nhân của chợ. Có như vậy việc khai thác tài nguyên này để phát triển du lịch mới đảm bảo tính nguyên vẹn và phát triển bền vững” – ông Thắng chia sẻ.