Dân Việt

Thi THPT quốc gia 2017: Học sinh lên mạng... “tập bơi”

Tùng Anh 30/09/2016 06:26 GMT+7
Ngay sau khi có phương án thi THPT quốc gia, giáo viên và học sinh cả nước bắt đầu rục rịch tìm kiếm phương pháp dạy – học đáp ứng nhu cầu kỳ thi. Trong đó, việc ôn thi trắc nghiệm như thế nào đối với các môn lần đầu tiên “đổi hướng” như toán, sử, địa, giáo dục công dân đặc biệt được lưu tâm.

Tìm cách “chạy đua”  với bài thi

Đó là băn khoăn của rất nhiều học sinh sau khi dự thảo phương án thi được điều chỉnh tăng số lượng câu hỏi trắc nghiệm từ 20 câu lên 40 câu và thời gian từ 40 phút/môn lên 50 phút/môn.

img

Thí sinh làm thủ tục dự thi kỳ thi THPT Quốc gia năm 2016. Ảnh: T.L

Những điều chỉnh mới nhất
học sinh cần lưu ý 

Môn toán 100% trắc nghiệm + tổ hợp (lý – hoá – sinh), (sử - địa – giáo dục công dân) 
sẽ có thời gian làm bài riêng cho từng môn, số câu hỏi tăng lên so với dự thảo. 
Các trường ĐH, CĐ sẽ sử dụng kết quả của kỳ thi làm căn cứ xét tuyển 
(90% không có thêm các bài thi riêng ở các trường). 
Thí sinh tự do chỉ cần thi những môn trong tổ hợp mà trường ĐH yêu cầu để xét tuyển.
Có điểm liệt cho từng môn. 
Không trừ điểm câu sau. 
Đề thi chỉ hỏi tới các kiến thức của chương trình lớp 12, mỗi phòng thi 
sẽ có 30 mã đề, nội dung các đề chỉ giống nhau khoảng 10 – 15%.

Em Nguyễn Thị Hồng Phượng, học sinh Trường THPT Phù Cừ (Phù Cừ, Hưng Yên) lo lắng: “Các năm trước, thời gian trắc nghiệm cho mỗi môn thi như hóa, lý là 90 phút với 50 câu hỏi, tức là bình quân mỗi câu hỏi được trả lời trong vòng 1,8 phút. Bây giờ, lượng thời gian trung bình bị rút ngắn chỉ còn 1,25 phút, em e rằng sẽ rất ít thí sinh đủ  thời gian làm tốt phần bài của mình”.

Để giải quyết vấn đề thời gian, em Trần Văn Cường, học sinh Trường THPT Vân Nội (Đông Anh, Hà Nội) bắt đầu đi tìm kiếm những “mẹo” làm bài thi trắc nghiệm trên mạng internet.

Cường cho biết: “Nếu không có “mẹo” không thể làm nhanh trong khoảng thời gian đó được. Trên mạng, nhiều người chia sẻ làm bài bằng phương pháp loại trừ, nhưng cũng chưa chắc chắn có hiệu quả”. Cường cũng băn khoăn, trong quy định Bộ có nói mỗi bài thi làm trong 50 phút sau đó sẽ chuyển sang làm môn khác, như thế là chưa hợp lý. “Nếu em thi khối A, trong bài thi khoa học tự nhiên chỉ muốn dành thời gian làm cho hai môn lý, hóa, môn sinh làm… chống điểm liệt, nhưng với quy định này thì em sẽ không thể thực hiện được điều đó” – Cường nói.

Trong khi đa số học sinh đều lo lắng vấn đề thời gian thi và số lượng câu hỏi thì lãnh đạo các trường THPT và giáo viên bộ môn bắt đầu lên chương trình, phương án dạy học và ôn thi cho học sinh đáp ứng nhu cầu của phương án thi mới. Thầy Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, thời điểm hiện tại công bố phương án thi so với mọi năm là sớm. Tuy nhiên, học sinh và giáo viên vẫn còn “sốc” vì những môn thi lần đầu thực hiện việc thi trắc nghiệm như sử, địa, giáo dục công dân. Đối với những môn thi này, các giáo viên bộ môn sẽ phải chuẩn bị kỹ hơn nhiều. “Chúng tôi trông chờ Bộ sớm công bố đề mẫu, khoanh vùng trong tâm kiến thức để định hướng cho học sinh” – ông Lâm nói.

Bà Nguyễn Thị Thu Anh – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) thì cho rằng: “Ở  các trường phổ thông, để đáp ứng được sự điều chỉnh sẽ phải có thay đổi. Giáo viên sẽ phải thay đổi quá trình dạy, câu chuyện môn tủ sẽ không còn nữa, tất cả giáo viên ở các môn học đều phải dạy hết sức nghiêm túc để đạt hiệu quả cao nhất, các em học sinh cũng phải như vậy”.

Kiên trì “nạp” kiến thức

Đó là lời khuyên của các giáo viên dành cho học sinh sẽ tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 với nhiều thay đổi đặc biệt.

Theo phân tích của thầy Vũ Khắc Ngọc – giáo viên Trung tâm Luyện thi Hocmai.vn (Hà Nội), với lượng thời gian và số câu hỏi được rút ngắn như vậy, các chuyên gia Bộ GDĐT chắc chắn sẽ có những tính toán hợp lý. “Nhiều khả năng đề thi sẽ được ra theo xu hướng nhanh, gọn, chính xác kể cả các câu dễ hay khó để thí sinh có thể làm được trong khoảng thời gian đó. Vì vậy, các em không nên quá lo lắng” – thầy Ngọc nói.

Chính vì vậy, thầy Ngọc cho rằng thí sinh không nên sa đà vào những bài tập quá khó, quá sâu và quá dài. Hiện nay, trên mạng internet có rất nhiều bài tập, bài thi mà độ dài và độ khó còn khiến giáo viên “chào thua”. Đó là những bài tập thường được ghép từ những bài nhỏ. Ví dụ như ở môn hoá, những bài tập hỗn hợp các phản ứng diễn ra nhiều giai đoạn khá phức tạp. Những bài như thế này năm tới sẽ không có “đất diễn” với mức thời gian và số lượng câu hỏi như thế.

Còn thầy Trần Văn Cường – giáo viên toán tại TP.Thái Bình lưu ý thêm, Bộ GDĐT thường nói rằng đề thi chỉ nằm trong chương trình lớp 12, tuy nhiên không vì thế mà kiến thức các  lớp 10, lớp 11 bị bỏ bẫng. “Theo lộ  trình đổi mới của Bộ, những năm tới, đề thi sẽ còn có những cải tiến khác về tổ hợp,  tích hợp. Chính vì vậy, thời điểm hiện tại các em cứ tích luỹ kiến thức đúng với lớp của mình, không nên học trước hay tìm bộ đề để giải trước” - thầy Cường nói.

Các giáo viên cũng cho rằng, hiện nay sách giáo khoa vẫn thế, nội dung chương trình và phạm vi kiến thức vẫn thế, các dạng bài cũng không có gì khác biệt. Chính vì vậy, dù có 20 câu trắc nghiệm hay 40 câu thì chương trình ôn tập cũng sẽ không nhiều thay đổi, khác biệt. Thí sinh không nên quá lo lắng. Về việc xét tuyển ĐH, CĐ, nhiều khả năng các trường sẽ có điều chỉnh khối thi, nhiều trường sẽ có xu hướng xét tuyển cả bài thi. Chính vì vậy, thí sinh cần thận trọng hơn khi lựa chọn khối thi theo đuổi. Bám sát chương trình sách giáo khoa và nâng cao khả năng vận dụng kiến thức từ sách giáo khoa vào việc xử lý các bài tập. Sau khi lấp đầy kiến thức mới bắt đầu luyện đề.