Chúng tôi theo đoàn của Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng và cán bộ ở các vụ, viện thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ lên thăm tỉnh Sơn La. Trọng tâm của chuyến đi là kiểm tra việc trồng cao su tại tỉnh này.
Chủ trương đưa cao su ra các tỉnh miền núi phía Bắc đang được triển khai mạnh, có nơi được, có nơi hỏng. Hình như vùng Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có kết quả tốt hơn. Riêng ở Sơn La, diện tích trồng cao su đã đạt 6.181ha và đang phấn đấu để nâng lên 10.000ha.
Giữa các hàng cây cao su, bà con nông dân có thể trồng xe cây bông. |
Chúng tôi tới xã Ít Ong (huyện Mường La) thăm Công ty cổ phần Cao su Sơn La. Ngay tại khu vườn lưu niệm, cây đã lên tốt, cao tới 4 - 5m, đường kính thân cũng đạt khoảng 10cm. Xa xa là những vườn cao su đang lên xanh tốt, cũng đã được 3 – 4 tuổi. Viện trưởng Viện Nghiên cứu cao su Lại Văn Lâm nói với tôi: “Cây lên tốt thế này là rất triển vọng. Chắc chắn chúng sẽ cho nhựa. Cùng với cao su, vùng Tây Bắc nên phát triển thêm nhiều loại cây nữa…”. Tôi cho rằng đó là một lời khuyên rất đáng quan tâm.
Chúng tôi cũng ghé thăm vùng trồng cao su ở Yên Châu. Cây ở đây mới được 2 năm, thân đã cao 2 – 3m. Điều đáng chú ý nhất chính là việc họ đã trồng bông xen với cao su.
Cây cao su phải mất tới 4 – 5 năm hoặc lâu hơn nữa mới có thể khép tán giữa 2 hàng trồng sát nhau. Vì vậy, thời gian để khoảng đất trống ở giữa hàng là khá lâu. Trong lúc đó, nguồn thu cho người trồng cao su chưa có. Do vậy, việc xen cây ngắn ngày vào chỗ đất trống là việc rất nên làm.
Bông là cây ngắn ngày. Một vụ bông chỉ kéo dài 4 – 5 tháng. Lâu nay, bà con ta ngại trồng bông vì nó bị nhiều loại sâu bệnh phá hoại. Mặt khác, năng suất bông cũng không cao và thu hoạch kéo dài nên công xá cũng chẳng được bao nhiêu.
Nhưng hiện nay, chúng ta đã có các giống bông mới. Chúng có khả năng kháng sâu bệnh cao nên cây phát triển rất tốt. Bông ra hoa sớm và kéo dài. Tôi đếm trên một cây đã có tới 56 quả, để đến cuối vụ thì cây này cũng phải cho ta tới trên 100 quả (trong lúc các giống cũ chỉ được 25 – 27 quả/vụ). Khác với nhiều loại cây, bông vừa sinh trưởng, vừa phát triển. Trong lúc các cành dưới đang ra hoa thì các cành phía trên vẫn tiếp tục mọc ra và rồi sẽ nối tiếp ra hoa. Do đó, thời gian thu hoạch bông kéo dài 1 – 2 tháng hoặc hơn nữa.
Khi bông ra hoa và kết quả thì trở ngại lớn nhất là gặp mưa. Vì vậy, ta phải tính toán để lúc cây được thu sẽ vào lúc trời không mưa hoặc ít mưa.
Cây nào cũng vậy, muốn có năng suất cao thì chúng ta cũng phải lo chăm bón. Phải xới xáo thường xuyên để diệt cỏ dại. Với bông còn phải loại bỏ cành đực và tạo tán hình thoi dẹt, bón thêm phân cho cây thì mới đạt năng suất cao.
Khả năng chịu hạn của bông còn cao hơn cả ngô. Việc xen bông với cao su đang được thực hiện thành công ở Tây Bắc. Nó giúp chúng ta mở ra một cách làm ăn mới đầy triển vọng.
Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng