Chung tay làm sạch đẹp bản
Nằm ở độ cao 1.500m, bản Sin Súi Hồ được ví như “Sa Pa của Lai Châu” bởi khí hậu quanh năm mát mẻ. Cái tên Sin Súi Hồ (còn có tên khác là Sin Suối Hồ), theo tiếng địa phương có nghĩa là “Suối có vàng” để chỉ sự giàu có mà thiên nhiên mang lại cho nơi này. Phía trước bản là thung lũng, có những ruộng bậc thang xanh rì màu lúa, ngô, sau bản là cánh rừng nguyên sinh, có cả những nương thảo quả, con suối róc rách đêm ngày.
Những nét đặc sắc về văn hóa, ẩm thực đang được người dân Sin Súi Hồ giới thiệu đến du khách. Ảnh: L.S
Người bản Sin Súi Hồ luôn đón khách bằng cái bắt tay thật chặt và chén nước thảo quả thơm vị núi rừng. Ai cũng hào phóng trao tặng du khách những nụ cười nồng hậu, từ những người phụ nữ địu con đứng nơi đầu dốc, những cô gái đang thêu váy bên thềm nhà hay những em bé xúng xính trong chiếc váy xòe nhiều màu sắc đang chơi trong sân”. Ông Lê Quang Minh |
Con đường bê tông đi xuyên bản, nối liền với con đường nhựa chạy ra trung tâm xã rồi tới Quốc lộ 4D. Bản Sin Súi Hồ có 103 hộ dân sinh sống tập trung, đều là đồng bào dân tộc Mông. Bà con vẫn giữ được nếp nhà truyền thống của người Mông vùng cao, phong tục, tập quán, sinh hoạt văn hóa đặc trưng, từ lời nói, chữ viết, trang phục...
Ở đây, hầu hết chẳng nhà nào xây tường rào. Bà con xây những trụ xi măng, đặt những chậu cây địa lan lên đó, xây thành hàng lối đều tăm tắm dọc theo những con đường quanh bản và theo lối vào nhà mình. Không chỉ cảnh đẹp, bản còn rất sạch sẽ, từ lối đi chung tới trong nhà từng gia đình.
Ở Sin Suối Hồ có chợ phiên ngay trong bản, họp vào thứ 7 hàng tuần. Chợ mới chỉ được lập cách đây một năm, trước đó người dân bản Sin Súi Hồ muốn mua bán phải đi chợ cách đó cả chục cây số.
Trưởng bản Vàng A Chỉnh đã cắt đất của gia đình để làm chợ, rộng đủ để làm thành những dãy chợ dài lợp mái, có một khoảng sân để người đến chợ có thể biểu diễn văn nghệ, hát hò giao duyên, có cả gian hàng ẩm thực và tắm thuốc nam… đúng kiểu chợ vùng cao. Anh chia sẻ: “Nhà không nhiều đất đâu nhưng không hiến đất thì ở bản không có chợ. Giờ có chợ thì bà con bán hàng ngay tại đây, du khách cũng đến để mua hàng của mình, khi đó dân mới giàu”.
Không quên giữ gìn bản sắc
Năm 2014, bản Sin Súi Hồ được công nhận là bản văn hóa. Tháng 6.2015, tỉnh Lai Châu công nhận bản Sin Súi Hồ là điểm bản du lịch cộng đồng. Đại diện các gia đình còn được đi tham dự lớp bồi dưỡng kỹ năng phục vụ du khách, cũng như cán bộ ngành du lịch tỉnh về bản Sin Súi Hồ tập huấn với bà con.
Nhiều công ty du lịch đã đưa những đoàn khách lên đây thăm quan. Dù là một điểm du lịch cộng đồng còn khá mới nhưng theo Sở VHTTDL tỉnh Lai Châu, từ khi được công nhận, đã có trên 30.000 lượt khách du lịch tới đây.
Anh Hảng A Sà - thành viên Ban quản lý điểm du lịch cho biết, trung bình mỗi tuần, bản đón khoảng 200 - 300 lượt khách du lịch. Làm du lịch cộng đồng, vợ chồng anh Sà cũng có thêm tiền cho con cháu đi học. Không chỉ lo chỗ ăn, ngủ cho khách du lịch, mọi người còn làm hướng dẫn viên du lịch, đưa khách thường thăm bản, ngắm ruộng bậc thang, cùng làm nương rẫy, thu hoạch và sấy thảo quả, đi xem thác Trái tim. Đến bữa, chủ nhà sẽ mời những món đặc sản của người dân nơi đây như lợn quay, lợn ướp thảo quả, thịt gà đen, cá hấp, cá nướng…
Ông Lê Quang Minh – Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở VHTTDL Lai Châu cho hay, phát triển du lịch như ở Sin Súi Hồ nhưng vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc vẫn được đặt lên hàng đầu. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục phát triển mô hình du lịch cộng đồng, với khoảng 15 nhà làm dịch vụ lưu trú, còn bà con sẽ làm các dịch vụ khác như dệt thổ cẩm, làm đồ mộc, đồ lưu niệm… bán cho du khách.