Dân Việt

Đại lý phân bón cũng... kêu khổ

Quốc Hải 04/10/2016 17:17 GMT+7
Thiệt hại do vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng gây ra cho bà con nông dân những năm qua là rất lớn, thế nhưng vì sao vẫn không thể “dẹp tận gốc” vấn đề? Phóng viên NTNN ghi nhận từ các nhà phân phối, đại lý phân bón ở Gia Lai.

Phân trâu, ngựa, ong... có đủ

Đảo qua một vòng quanh các đại lý phân bón trên địa bàn các huyện Đăk Đoa, Chư Pah…, chúng tôi hoa cả mắt trước hàng trăm loại phân bón khác nhau với đủ kiểu bao bì bắt mắt. Bên cạnh các tên tuổi lâu năm và đã có uy tín như Bình Điền, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao..., có rất nhiều cái tên lạ như Super Lân - Vôi - Magiê hiệu Trâu Vàng (Công ty CP SX-TM-DV Thiên Minh Việt Nam); phân Lân Super Pháp Quốc (Công ty TNHH Phân bón số 1 Pháp Quốc)…

img

Phân bón Mặt trời mới của Công ty CP vật tư kỹ thuật nông nghiệp Bình Định đang được thị trường Tây Nguyên chọn lựa vì chất lượng, giá thành tốt.

Các công ty phân bón đều có những đãi ngộ hấp dẫn đến mức người người, nhà nhà đều muốn... kinh doanh phân bón. Ngoài việc chiết khấu hoa hồng cao, các công ty còn thường xuyên tặng quà (bằng tiền, vàng) hay các chuyến du lịch nước ngoài cho các đại lý phân phối.

Anh Nguyễn Năm - chủ đại lý phân bón Nguyễn Năm (xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Pah) nói nửa đùa nửa thật: “Có lẽ chẳng ở đâu có nhiều loại phân bón như ở Gia Lai. Từ hiệu con trâu (Công ty Hóa Sinh), con ngựa (Công ty Hóa chất Quảng Ngãi), đến con dơi (con dơi đỏ - Công ty Thiên Sinh), con ong (hữu cơ ong biển - Công ty TNHH SX-TM Đại Nam)... Đầu mùa mưa, mỗi ngày đều có người của các công ty, cơ sở đến nhờ chúng tôi bán phân bón với nhiều thương hiệu lạ, nhưng tôi rất thận trọng, phải thử nghiệm trước nếu chất lượng thì mới đồng ý bán giùm”.

Theo lời anh Năm, vài năm gần đây, trên địa bàn xã cũng có nhiều hộ nông dân phản ánh mua phân bón của hãng T.N, bón sau  4-5 tháng phân vẫn không tan. Dĩ nhiên sau đó đại diện của hãng phân bón này có xuống tận nơi nghe phản ánh của người dân và có giải thích rằng phân bón này là phân bón trung vi lượng nên có đặc tính dạng hạt chậm tan. Tuy nhiên với người nông dân thì chậm tan khiến họ nghĩ rằng phân bón kém chất lượng nên chậm tan. Rồi đến vụ phân bón con trâu, con ngựa bị làm giả… nên bây giờ anh chỉ bán những loại phân bón có thương hiệu trên thị trường.

Trong câu chuyện với phóng viên, nhiều chủ cửa hàng phân bón cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng phân bón giả, phân kém chất lượng vẫn có “đất diễn” là do việc “bán đầu tư” của các đại lý đối với nông dân (tức nông dân mua thiếu hàng, cuối vụ mới trả tiền - PV). Về phía đại lý, do không thể kéo dài nợ với công ty phân bón, cùng với nhu cầu vốn để quay vòng nên buộc họ phải lựa chọn những doanh nghiệp phân bón đồng ý cho lấy hàng kiểu “gối đầu”. Về phía người nông dân, do chưa có thu hoạch mùa vụ nên buộc phải lựa chọn những loại phân bón giá rẻ, được nợ đến cuối vụ.

Chủ một đại lý phân bón ở huyện Đăk Đoa thẳng thắn nói: “Chúng tôi cũng muốn nhập một số phân bón chất lượng của Bình Điền, Đạm Phú Mỹ... nhưng do vốn không nhiều, nếu nhập về nông dân mua chịu thì lấy đâu ra tiền để quay vòng. Vì vậy, đơn vị nào đồng ý cho “hoãn” trả nợ thì sẽ ưu tiên nhập hàng về bán”.

Muốn bán phân tốt... không dễ

Đứng đầu trong danh sách phân bón nông dân có nhu cầu lớn, nhưng nhiều đại lý tỏ ra không hào hứng đón nhận là phân bón hiệu Đầu trâu của Công ty Bình Điền. Lý do cực kỳ đơn giản, là vì bán phân của các doanh nghiệp có thương hiệu ít phổ biến hơn thì đại lý thu được lợi nhuận cao hơn.

Chị Hoàng Thị Minh Thu - chủ đại lý phân bón Xuân Thu (xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa) cho biết, trong cửa hàng cũng có phân bón Đầu trâu, nhưng chủ yếu dùng để chăm sóc cho vườn nhà và bán cho khách quen hoặc khách thanh toán trực tiếp. Thông thường, khi nhập phân bón Đầu Trâu về, đại lý phải thanh toán tiền ngay cho công ty, trong khi lời lãi rất ít, mỗi bao chỉ lãi khoảng 2.000 – 5.000 đồng, sau khi trừ chi phí vận chuyển thì chẳng còn bao nhiêu. Nhưng bù lại, bán sản phẩm của những thương hiệu này thì được sản lượng lớn, doanh số lớn hơn.

Với sản lượng bán hàng trên 3.000 tấn phân bón/năm, ông Nguyễn Văn Thanh - chủ đại lý phân bón Thu Hà 2 (thôn Ktu, xã Glar, huyện Đăk Đoa) cho biết, do đại lý thường cho nông dân nợ đến cuối vụ mới thanh toán nên không thích nhập phân bón Đầu Trâu về bán. “Hiện khách hàng của đại lý có khoảng 500 nông dân, hầu hết bà con đều mua nợ nên đại lý cũng gặp khó khăn trong việc quay vòng vốn, do đó phải cân nhắc khi nhập nhiều sản phẩm phân bón của  Bình Điền cũng như một số hãng lớn khác” - ông Thanh phân trần.

Do thiếu vốn kinh doanh nên nhiều đại lý trên địa bàn buộc phải trở thành “nhà thử nghiệm phân bón” cho các công ty, cơ sở đến… chào hàng. Anh Nguyễn Năm cho biết, gia đình anh có vài mẫu cà phê nên khi các công ty đến nhờ phân phối phân bón, anh liền mang bón thử vườn nhà một ít, nếu thực sự hiệu quả thì mới giới thiệu cho bà con nông dân: “Nếu phân bón kém chất lượng, tôi sẽ từ chối nhập ngay, tránh ảnh hưởng đến uy tín của đại lý, sẽ mất hết khách”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Thanh - chủ đại lý phân bón Thuận (xã Tân Bình, huyện Đăk Đoa) lại than: “Đại lý phân bón giờ cũng khổ lắm, nhập phân bón thương hiệu lớn thì phải trả tiền luôn, trong khi nông dân thì mua chịu nên rất khó xoay vốn để tiếp tục nhập hàng. Còn nếu nhập phân bón giá rẻ cho đỡ nặng vốn thì bà con thấy không hiệu quả sẽ không trả tiền. Khi đó đại lý thiệt hại đủ đường”.