Dân Việt

Chuẩn bị cho mùa XKTS cuối năm: “Chạy nước rút” tới 7 tỷ USD

Thuận Hải 05/10/2016 09:43 GMT+7
Từ đầu tháng 10, các nhà xuất nhập khẩu thủy sản đã bắt đầu lên kế hoạch cho mùa làm ăn cao điểm dịp cuối năm. Đây là thời điểm quyết định tới mức tăng trưởng cả năm của ngành thủy sản. Liệu mục tiêu xuất khẩu 7 tỷ USD thủy sản năm nay có thành hiện thực?

Nhu cầu tăng, nguồn cung giảm

Số liệu từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ NNPTNT) cho biết, giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 9.2016 ước đạt 568 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 9 tháng đầu năm 2016 đạt 4,93 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015. 

img

Tôm là mặt hàng đưa lại giá trị lớn nhất trong rổ hàng thủy sản xuất khẩu.  Ảnh: T.L

Giá xuất khẩu cá tra vào Mỹ tăng cao nhất 2 năm qua

Cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 74% so với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu cá tra vào Mỹ cũng đạt mức giá khá cao, dao động từ 6 – 7USD/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 2 năm trở lại đây tại thị trường Mỹ.

Dẫu vậy, rào cản thuế chống bán phá giá cao và tâm lý lo ngại về chương trình thanh tra cá da trơn vẫn đè nặng lên các nhà xuất khẩu Việt Nam. Hiện tại, một số ít doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào Mỹ vẫn quyết tâm bám trụ tại thị trường này và cố gắng duy trì doanh số.

Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016, chiếm 53,7% tổng giá trị xuất khẩu. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng mạnh là Trung Quốc với mức tăng hơn 55%, Mỹ tăng 14,3%, Hà Lan tăng 12,3% và Thái Lan tăng 10,8%.

Trong khi đó, Hiệp hội Chế biến Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng nhận định, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu hầu hết các nhóm sản phẩm thủy sản đều tăng trưởng dương, trừ mực và bạch tuộc. Dù không tăng trưởng bứt phá, tuy nhiên mức tăng trưởng khá ổn định qua các tháng.

Đặc biệt, nhiều thị trường có dấu hiệu tăng trưởng tốt, tạo điều kiện để doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào dịp cuối năm. Cụ thể như, đối với xuất khẩu tôm vào Mỹ, đà tăng trưởng được duy trì tốt. Tính đến hết tháng 8.2016, xuất khẩu tôm Việt Nam vào thị trường này đạt 435,3 triệu USD; tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ tăng trong khi các nguồn cung khác cho Mỹ như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador, Thái Lan đều gặp khó khăn về nguồn cung nguyên liệu, dẫn tới giá xuất khẩu tăng, sức cạnh tranh giảm.

Cũng theo VASEP, cùng với Mỹ, nhu cầu tôm nước ấm tại thị trường EU cũng tăng trưởng mạnh trong khi nguồn cung từ các nước như Ấn Độ, Thái Lan đều đang rất hạn chế, giá cao. Xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU 8 tháng đầu năm đạt mức 372 triệu USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại Anh, giá trị xuất khẩu tôm vào thị trường này đã tăng 8,4%. Đặc biệt, trong nửa đầu năm nay, doanh số tôm nước ấm lần đầu tiên vượt qua doanh số tôm nước lạnh trong 3 năm trở lại đây.

Đau đáu nhiều nỗi lo

Với những thuận lợi cả về thị trường và giá bán, VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản cả nước năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 7%, đạt mức 7,1 tỷ USD. Trong đó, tôm xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, cá tra đạt 1,6 tỷ USD và cá ngừ xuất khẩu đạt khoảng 500 triệu USD.

Dù mức dự báo xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng, tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn đau đáu nhiều nỗi lo, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguyên liệu. Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP cho biết, tình hình thiếu hụt nguyên liệu đối với ngành chế biến thủy sản trong thời gian từ nay tới cuối năm là khá rõ ràng, riêng với ngành tôm còn gay gắt hơn.

Ông Hòe cho rằng, sự cố môi trường do Formosa gây ra đã khiến các nhà máy chế biến ở các tỉnh miền Trung bị thiếu nguyên liệu sản xuất, nhiều nhà máy chế biến phải tạm ngừng sản xuất hoặc sản xuất với công suất rất thấp để duy trì hoạt động và giữ chân công nhân. Một số doanh nghiệp thu mua trong các tháng qua chỉ đạt khoảng 40% nhu cầu, không có sản phẩm để xuất khẩu, doanh số do đó cũng giảm mạnh… Nếu tình trạng thiếu nguyên liệu tiếp tục kéo dài, nguy cơ nhà máy phải đóng cửa là rất lớn.

Trong khi đó, một số khách hàng quốc tế do quan ngại kim loại nặng nhiễm vào nguyên liệu và sản phẩm thủy sản Việt Nam kim loại nặng nên đã hủy hợp đồng đối với các doanh nghiệp có nhà máy chế biến tại 4 tỉnh miền Trung.

Ông Trần Đình Nam – Giám đốc Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (SHATICO), cho biết, trong nửa đầu năm 2016 gần như phải đóng cửa nhà máy chế biến vì không tìm được hợp đồng mới. Đến thời điểm giữa tháng 8.2016, ngư dân vẫn chưa đi đánh bắt trở lại. Do đó, ông Nam dự báo, các tháng cuối năm, không chỉ SHATICO mà nhiều doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản sẽ ngừng hoạt động vì không còn nguyên liệu để sản xuất.

Cùng với nỗi lo thiếu nguyên liệu, vào tháng 9.2016 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã công bố mức thuế chống bán phá giá cuối cùng trong đợt xem xét hành chính POR10 cao hơn gấp 5 lần so với mức thuế sơ bộ. “Quyết định này sẽ gây áp lực tâm lý cho cả doanh nghiệp xuất khẩu và phía khách hàng. Do đó, có thể trong quý cuối năm nay, xuất khẩu tôm sang Mỹ sẽ chững lại” - đại diện một doanh nghiệp chế biến xuất khẩu tôm tại Tiền Giang nhận định.