Mất vệ sinh = bệnh tật
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: “Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và nước sạch là một trong những ưu tiên trong công tác phòng chống các dịch, bệnh đường tiêu hoá, góp phần cải thiện suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi. Việc lưu hành các bệnh, dịch này một phần là do chưa làm tốt công tác quản lý phân người, cụ thể là sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt đi tiêu bừa bãi, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi”.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến nay mới chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, trong đó 10 tỉnh có tỷ lệ nhà tiêu hợp vệ sinh thấp dưới 50%. Ước tính vẫn còn khoảng 5 triệu người dân còn đi tiêu bừa bãi. Tình trạng sử dụng cầu tiêu ao cá không hợp vệ sinh vẫn còn phổ biến ở khu vực ĐBSCL gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, gia tăng nguy cơ phát sinh dịch, bệnh. Vệ sinh kém không những làm tăng chi phí khám chữa bệnh mà còn ảnh hưởng sức khoẻ, bệnh tật và cải thiện chiều cao của trẻ em, ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, vệ sinh kém đã làm nước ta mất khoảng 1,3% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm.
“Đề nghị các Bộ, ngành và chính quyền các cấp, các đơn vị trong ngành y tế, các tổ chức chính trị xã hội phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục thực hiện tốt công tác vệ sinh vệ sinh phòng bệnh. Đưa chỉ tiêu nhà tiêu hộ gia đình vào chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của địa phương đồng thời tăng cường đầu tư nguồn lực cho công tác vệ sinh nông thôn, tuyên truyền, vận động người dân xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, chấm dứt tình trạng đi tiêu bừa bãi” – Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long |
Hướng tới nông thôn “vệ sinh, nước sạch”
Bền vững về vệ sinh và nước sạch là một trong những Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam đến năm 2015 và Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Mới đây, Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết với cộng đồng quốc tế mục tiêu đến năm 2025 sẽ chấm dứt việc đi tiêu bừa bãi, đến năm 2030 sẽ có 100% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Theo đánh giá của Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), nhu cầu về vệ sinh của người dân nông thôn, đặc biệt là người nghèo, người dân tộc miền núi vẫn còn rất lớn. Tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh ở vùng miền núi, vùng người dân tộc và người nghèo còn rất thấp so với trung bình cả nước. Do vậy, lĩnh vực vệ sinh nông thôn cần có chiến lược đầu tư phù hợp, nguồn lực hạn chế cần phải được dành cho các hoạt động ưu tiên, giải quyết những cản trở chính nhằm tăng cường hiệu quả đầu tư.
Các cán bộ được khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015.
Từ năm 2013, Cục Quản lý Môi trường Y tế và UNICEF đã áp dụng Bộ công cụ phân tích rào cản WASH BAT trong lĩnh vực vệ sinh môi trường cấp quốc gia. Bộ công cụ này cho phép rà soát 18 yếu tố hỗ trợ/tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng môi trường vệ sinh nông thôn, bao gồm: môi trường pháp lý và chính sách, chuẩn mực xã hội, kế hoạch đầu tư, chi tiêu ngân sách, yếu tố công bằng, phân cấp quản lý, chuỗi cung ứng và dịch vụ… Theo đó các yếu tố hỗ trợ để hướng tới mục tiêu vệ sinh nông thôn từ năm 2014 đến năm 2016 đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Để hoàn thành các mục tiêu chấm dứt phóng uế bừa bãi (ODF) vào năm 2025, Cục Quản lý môi trường Y tế đã có nhiều kế hoạch triển khai, đồng thời nâng cao năng lực ngành y tế về thúc đẩy vệ sinh nông thôn 2016-2020. Cụ thể như Dự án Vệ sinh đã xây dựng các giải pháp, thiết kế nhà tiêu giá rẻ; có chính sách ưu đãi vay vốn với lãi suất tương đối phù hợp để tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận với nhà tiêu hợp vệ sinh.
TS. Nguyễn Thị Liên Hương – Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế đánh giá, hiện nay chưa xây dựng các mục tiêu % nhà tiêu cụ thể cho hộ nghèo, hộ dân tộc. Việc theo dõi giám sát thực hiện mục tiêu này sẽ gặp khó khăn khi tiêu chí hộ nghèo thay đổi thường xuyên và tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm theo năm. Mục tiêu về vệ sinh chưa được đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của Trung ương và địa phương, trừ một số tỉnh đã làm được như Hoà Bình, Kon Tum và Ninh Thuận.