Tận tụy với nghề
Lóng Luông là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Đây là nơi cư trú của đồng bào Mông với không ít phong tục tập quán lạc hậu vẫn lẩn quất trong đời sống hàng ngày. Một trong những cái xấu ấy là thói quen sử dụng thuốc phiện để điều trị bệnh trong nhiều năm trước đây của dân bản.
Vợ chồng ông Giàng A Pàng – trạm trưởng trạm y tế xã Lóng Luông (Vân Hồ, Sơn La) chuẩn bị chăn, màn để đón những người nhà bệnh nhân khi họ về trạm y tế cùng người thân bị ốm nhưng không có chỗ ăn, nghỉ.
Thuốc phiện là một loại kháng sinh nặng nên sử dụng rất nguy hiểm và sẽ gây nghiện, gây ra khả năng nhờn kháng sinh. “Việc sử dụng thuốc phiện của bà con trong những năm trước đây rất tùy tiện, chẳng phân biệt đó là bệnh gì, độ tuổi nào. Đau đầu, sổ mũi hay đau bụng, đau chân… cũng dùng thuốc phiện. Khi làm cán bộ y tế xã ở đây, tôi đã cố gắng giảng giải cho bà con hiểu và từng bước từ bỏ dần thói quen ấy” – ông Giàng A Pàng, trạm trưởng trạm y tế xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ, tâm sự như vậy.
Đã mấy chục năm công tác trong nghề y, nhiệt huyết công việc luôn thôi thúc anh Pàng tìm đến với dân bản. Bàn chân anh không chỉ đặt đến hầu hết các hộ gia đình ở 11 bản trong xã mà “nhiều khi dân ở bản khác, xã khác có bệnh, gọi đến mình là mình cũng đi ngay. Có khi mệt quá, mình còn phải nhờ vợ chở xe máy đi khám bệnh cho bà con đấy. Bây giờ trạm y tế có nữ hộ sinh thì không phải lo nhiều chứ những năm trước mình chẳng từ chối việc gì khi người bệnh yêu cầu đâu. Ở đây bản xa xã, xã xa bệnh viện, kinh nghiệm của bà con còn ít nên nhiều khi vỡ ối mới biết mình sắp đẻ. Những lúc như thế, cán bộ y tế phải xắn tay vào việc thôi”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã – Giàng A Sanh thì kể rằng: Công sức của ông Pàng với người dân Lóng Luông này khó kể ra cho hết. Không chỉ khám, chữa bệnh cho dân, ông Pàng còn là người tích cực đuổi các loại tà ma ra khỏi suy nghĩ của người dân, góp phần chấm dứt những cái chết oan uổng do tin vào tà ma, bùa chú. “Bà con Mông, Dao, Thái… ở đây ngày trước tin rằng có rất nhiều ma: Ma rừng, ma suối, ma núi, ma căng cói…
Có ma thì có thầy cúng, thầy mo và khi ốm đau thì phải mời thầy mo, thầy cúng trừ tà. Thế là không chỉ tốn kém trâu, bò, gà, lợn làm lễ mà nhiều khi còn mất mạng người bởi bệnh mỗi ngày một nặng. Nhưng ông Pàng cương quyết phản đối và dùng nhiều cách nói để thuyết phục bà con. Nhờ thế không ít người bệnh đã giành lại được mạng sống nhờ cứu chữa kịp thời. Bây giờ thì chuyện con ma với nhiều người chỉ còn là chuyện đùa cho vui thôi”
Cái tâm tỏa sáng
Ông Pàng đang thăm khám bệnh cho bệnh nhân tại trạm y tế xã Lóng Luông.
Làm nghề y, phải tiếp xúc với nhiều bệnh nhân và người nhà bệnh nhân nên dân trong xã hầu như ai cũng biết tới ông Bàng. Đã biết, đã thân quen thì khi khó khăn phải “dựa vào nhau mà sống”. Nhà ông Pàng lại ở ngay gần trạm y tế. Bởi thế nhiều khi nhà ông cũng như một cái nhà nghỉ miễn phí với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. “Bà con dân tộc ở đây khi một người trong nhà ốm phải ra viện, ra trạm xá thì luôn có nhiều người nhà đi theo. Khi trạm xá chật, họ cứ vào nhà tôi mà ăn, ngủ nhờ, có lúc tới cả chục người.
Những lúc không đủ giường, phải trải chăn chiếu ra sàn nhà nằm. Rồi có những lúc anh ấy đi bản thăm khám bệnh cho dân tới 1-2 ngày không về làm tôi lo lắm, nhất là trong những ngày mưa lũ, sạt lở đất, đường trơn… Những lúc như thế, nếu trách anh ấy thì anh ấy lại động viên tôi: Mình làm cán bộ thì phải chăm cho dân, mà làm cán bộ y tế thì lại càng phải chăm sóc dân chu đáo hơn nên có vất vả cũng vui để anh an tâm công tác em nhé. Thấy chồng nói vậy, tôi cũng hiểu rằng mình phải ủng hộ chồng nhiều hơn để làm một cán bộ y tế tốt” – vợ ông Pàng kể như vậy.
Chính người viết bài này cũng đã từng chứng kiến gia đình ông Pàng “đón khách miễn phí” từ xã Mường Men lân cận đến ăn, ngủ tới mấy ngày trời. Đó là dịp cuối năm 2007, do mưa to, lũ quét nên nhiều hộ dân ở bản Suối Mõ, xã Mường Men phải bỏ của chạy lấy người, vượt núi sang Lóng Luông tá túc. Trạm y tế, trụ sở UBND xã không đủ chỗ cho dân ở, anh Pàng chủ động ra mời tới 4 gia đình với tổng số gần 20 nhân khẩu vào nhà mình ăn, ở. Mỗi ngày, ngoài giờ thăm, khám bệnh, ông Pàng lại cũng vợ lo cơm nước cho mọi người như chăm lo người thân. “Mình cũng chẳng giàu có gì, một lúc nuôi thêm mấy chục miệng ăn thì cũng tốn lắm chứ. Nhưng không thể đành lòng để bà con đói, khát, nằm vạ vật được. Lương y phải như từ mẫu, Bác Hồ đã bảo thế mà” – ông Pàng thật thà.
Nếu có dịp đến với gia đình ông Pàng, khách không khỏi ngỡ ngàng bởi hàng chục tấm bằng khen, giấy khen của nhiều cấp, nhiều ngành đã trao tặng, được anh Pàng treo ngay ngắn xung quanh 4 bức tường trong nhà. Nhưng khi hỏi chuyện những người dân trong bản, trong xã thì sẽ thấy rằng sự khen thưởng ấy là rất xứng đáng với người thầy thuốc – trạm trưởng trạm y tế xã Lóng Luông này.