Ông Duterte tới thăm Lào đầu tháng 9, dự kiến gặp Obama nhưng sau phải hủy do lời nói có tính xúc phạm nhằm vào ông chủ Nhà Trắng.
Chính sách ngoại giao độc lập của chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte không nên xem nhẹ và nó sẽ khiến suy giảm đáng kể tầm ảnh hưởng của Mỹ ở Biển Đông. Đây là nhận định trong nghiên cứu của Fitch Rating, một chuyên gia về vũ khí và chính trị khu vực.
Tổng thống Duterte chuyển hướng từ Mỹ sang Trung Quốc sẽ khiến ảnh hưởng địa chính trị của Washington suy giảm ở châu Á. Nếu diễn biến với chiều hướng này, Mỹ và Nhật Bản sẽ phải chọn đối tác khác thay vì Philippines để gia tăng hợp tác an ninh trong khu vực, Fitch nhận định.
Đề tài nghiên cứu của Fitch có tiêu đề “Sự chuyển hướng chính sách ngoại giao của Duterte làm suy yếu ảnh hưởng địa chính trị Mỹ”.
Ảnh chụp tháng 5.2015 đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Trung Quốc ngang ngược bồi lấp trái phép.
Sự “tái cân bằng” trong chính sách ngoại giao của Duterte được cho là có lợi với Trung Quốc dù điều trái khoáy là Manila từng kiện Bắc Kinh lên tòa trọng tài quốc tế. Theo tòa án The Hague, cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở và giá trị pháp lý.
“Sự thay đổi địa chính trị lớn ở châu Á đã bắt đầu từ giữa năm 2016 khi ông Duterte trở thành tổng thống. Tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực sẽ bị biến đổi theo”, Fitch viết trong nghiên cứu. “Người tiền nhiệm của ông Duterte là cựu Tổng thống Benigno Aquino III luôn thực hiện chính sách bài Trung Quốc mạnh mẽ. Quan điểm của ông Aquino là sự phản đối gay gắt với hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông”.
Dưới thời Aquino, mối quan hệ của Philippines và Mỹ, Nhật Bản phát triển rất mạnh. Sự dè chừng Trung Quốc là xu thế chủ đạo trong chính sách của ông Aquino. Khi Duterte nhậm chức, ông thể hiện thái độ bài Mỹ mạnh mẽ và tỏ ra thân thiết với Trung Quốc.
“Điều này cho thấy liên minh ở châu Á do Mỹ khởi xướng nhằm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực đã không còn được đảm bảo”, Fitch nói.
Quan hệ Philippines-Mỹ đang xuống dốc không phanh từ lúc Duterte nhậm chức.
Nghiên cứu nói rằng bởi vị trí chiến lược trong tuyến hàng hải, thương mại giữa Thái Bình Dương và biển Tây Philippines, Manila có được ưu thế địa chính trị rất lớn. Mỹ nhận ra vai trò chiến lược của Philippines cách đây một thế kỷ khi chiếm lãnh thổ này từ tay quân đội Tây Ban Nha năm 1898.
Lần cuối cùng quan hệ Mỹ-Philippines êm ấm là năm 2014 khi cựu Tổng thống Aquino kí kết Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Nâng cao trong 10 năm với Washington.
“Trung Quốc sẽ tiếp tục củng cố vị trí của mình ở Biển Đông bằng hoạt động xây dựng trái phép các chuỗi đảo nhân tạo. Ngoài ra, nước này sẽ thiết lập cái gọi là vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trong tương lai gần”, Fitch nhấn mạnh.
Theo nghiên cứu của Fitch thì bối cảnh địa chính trị châu Á hiện tại, Trung Quốc sẽ coi Philippines là nhân tố quan trọng của chiến lược mang tên “chuỗi đảo đầu tiên” chạy từ miền nam Nhật Bản và Đài Loan tới Biển Đông. Đây là hành lang biển Mỹ thiết lập nhằm kiểm soát Nga và Trung Quốc thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Duterte đã nhiều lần phải xin lỗi vì những phát ngôn mạnh bạo nhưng thiếu kiềm chế của mình.
“Do đó, nếu Philippines từ chối liên minh với Mỹ, đây sẽ là cú đấm trực diện vào tham vọng chiến lược mang tên “chuỗi đảo đầu tiên” của Washington”, Fitch nói. Nếu Philippines giữ quan điểm trung lập thì nước được hưởng lợi nhiều nhất là Trung Quốc.
Gần đây, Duterte bị cộng đồng quốc tế chỉ trích vì chiến dịch truy quét ma túy khiến hơn 3.000 người thiệt mạng. Tổng thống Philippines đã công kích Mỹ và EU vì “sự xâm phạm chủ quyền” trên phương diện ngôn từ.