Dân Việt

Học sinh tự tử nghi do bị làm nhục trước bạn bè: Vấn nạn xã hội kinh khủng

Mỹ Hà 05/10/2016 13:54 GMT+7
Nhiều em bé khi bị cha mẹ mắng, bị bắt nạt trên mạng, bị vu khống..., đối với những học sinh tinh thần yếu thường dẫn đến các bệnh về thần kinh và cuối cùng dẫn đến tự tử. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp như thế.

Sự việc em Bùi Quang Huy (HS Trường THCS Âu Lâu, Yên Bái) bị 1 nhóm thanh niên đánh ở cổng trường và nằm viện 1 tuần sau đó thắt cổ tự tử đang khiến dư luận xôn xao.

Theo tường thuật của chị Nga- mẹ em Huy, ngày thứ 7 (19/09/2016) sau khi đi học về đã bị 1 nhóm thanh niên đón đường và đánh gần khu vực cổng trường.

Nhóm thanh niên này dùng tuýp cao su đập liên tiếp vào người em Huy. Sau đó, bắt em quỳ và chắp tay xin tha trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn bè trong trường.

Cũng theo chị Nga, việc con trai mình bị đánh trước khi cháu tự tử là do con mình có mâu thuẫn gì đó với bạn cùng trường. Sau buổi học, anh họ của bạn này đã kéo theo một nhóm thanh niên chặn đường đánh Huy và bắt em quỳ gối, chắp tay xin lỗi ngay trước mặt rất đông bạn bè.

Sau khi bị đánh, em Huy bị thương, hoảng loạn tâm lý nên gia đình đã đưa em vào Bệnh viện 103 Yên Bái để kiểm tra. Phía bệnh viện xác định cháu bị chấn thương nên yêu cầu gia đình cho cháu nằm viện để điều trị trong vòng 1 tuần.

img

Em Huy đang bị phụ huynh một bạn cùng trường bắt quỳ gối xin lỗi trước mặt bạn bè

Khi ra viện, em Huy vẫn có biểu hiện hoang mang và lo sợ. Chị Nga kể lại: “Từ hôm bị đánh, con ít nói lắm. Thi thoảng, con ngồi khóc và bảo mình rất xấu hổ. Nhà không có mạng nhưng một hôm, con lấy điện thoại của tôi và vào Internet bằng wifi của hàng xóm, thấy được clip mình bị đánh đang lan tràn trên mạng. Con đã rất buồn và sốc. Con bảo tôi: “mẹ phải nói với anh kia (người mặc áo xanh và đấm đá Huy trong clip) quỳ xin lỗi con ở ngã 3, trước mặt mọi người, nếu không con xấu hổ không đi học được nữa. Tôi cũng nghĩ tuổi mới lớn nên con khủng hoảng tâm lý. Gia đình cũng đã báo công an nên chờ xử lý đúng, sai ra sao”.

Tuy nhiên, theo chị Nga, ngày 25/9, sau một tuần nghỉ việc chăm con ở bệnh viện nên chị phải đi làm. Trước khi đi, chị dặn con ở nhà trông đứa em năm nay mới lên 3 tuổi. Chưa hết buổi làm, chị Nga có cảm giác rất sốt ruột nên chạy về nhà xem sao thì bàng hoàng phát hiện ra con trai đã treo cổ tự tử trong bếp.

“Tôi đau đớn quá, không nghĩ cháu nghĩ quẩn đến thế. Bình thường cháu học chậm so với các bạn nhưng hàng xóm láng giềng ai cũng bảo cháu rất ngoan, tình cảm, quan tâm tới mọi người. Cháu ra đi mà không để lại bất cứ dòng thư tuyệt mệnh nào. Gia đình tôi không dám kết luận gì nhưng rất mong cơ quan công an điều tra đúng sự thật, liệu có đúng con tôi vì quá xấu hổ vì bị làm nhục mà ra đi không”?, chị Nga cho hay.

Chị Phương Thảo, một trong những họ hàng của em Huy cho hay, mặc dù không biết tường tận sự việc nhưng Huy là đứa trẻ ngoan, hiếu thảo với gia đình. Cũng qua cơ quan công luận, chị mong muốn sự việc được điều tra đúng sự thật.

Theo cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, Hiệu trưởng Trường THCS Âu Lâu, nguyên nhân việc đánh nhau do mâu thuẫn giữa học sinh trong trường với nhau.

Hiện sự việc đang được các cơ quan điều tra xử lý.

Một vấn nạn xã hội rất kinh khủng

Ths. BS Nguyễn Trọng Trọng An, nguyên Cục phó Cục Bảo vệ trẻ em cho biết, vấn đề bạo hành trẻ em đã được tôi cảnh báo rất nhiều. Tình trạng bạo hành trẻ em ở nước ta rất nhiều và đa dạng. Từ bạo hành tinh thần, bạo hành tình dục đến bảo hành thể xác. Trong đó, các bạo hành tình dục, bạo hành thể xác có thể đong đếm được những tổn thương và tổn hại trên cơ thể.

Tuy nhiên, bạo hành tinh thần, về tâm lý thì rất khó đong đếm vì không có “thang” chẩn đoán ở mức độ bao nhiêu. Ngay cả trong điều 104 của Bộ luật Hình sự cũng quy định, nếu xử phạt tình trạng bạo hành phải có thương tích từ 11% trở lên. Nhưng tổn thương tinh thần rất dai dẳng, nặng nề và đau đớn thì ta lại không có “thang” đong đếm.

Do đó, nhiều em bé khi bị cha mẹ mắng, bị bắt nạt trên mạng, bị vu khống..., đối với những học sinh tinh thần yếu thường dẫn đến các bệnh về thần kinh và cuối cùng dẫn đến tự tử. Trên thực tế, đã có rất nhiều trường hợp như thế.

Từ khi tôi còn làm quản lý tại Cục Bảo vệ trẻ em, chúng tôi đã phải can thiệp rất nhiều. Và hiện nay, khi tôi tham gia nghiên cứu về lĩnh vực này lại càng thấy rõ mức độ nghiêm trọng và là một vấn nạn xã hội rất kinh khủng.