Nhiều tỉnh cắt giảm diện tích lúa
Theo Bộ NNPTNT, ước tính có khoảng trên 339.200ha lúa đông xuân 2016-2017 ở ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng bởi hạn mặn, chiếm 21,9% diện tích gieo sạ toàn vùng. Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Nông dân huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa thu đông. Ảnh: Huỳnh Xây
Ông Nguyễn Văn Đồng – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, Bộ NNPTNT nên tổ chức hội thảo sâu hơn về phòng chống hạn, mặn. Riêng Hậu Giang, từ bài học hạn, mặn vừa qua, địa phương cần Bộ NNPTNT hỗ trợ xây dựng hệ thống nội đồng bền vững cho dân. Bởi trước đây, một số thửa ruộng có thống nội đồng kiên cố không bị thiệt hại trong khi nhiều hộ kế cận mất trắng vì mặn. |
Cũng theo dự báo, nguồn nước sản xuất cho vụ lúa đông xuân tới sẽ gặp vô vàn khó khăn và lệ thuộc nhiều vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về. Tình hình này sẽ khiến năng suất, sản lượng lúa giảm đáng kể nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời. “Thời gian tới, mưa cũng còn nhưng xuất hiện cục bộ. Mặt khác, theo nhiều dự báo thì vùng ĐBSCL sẽ xảy ra xâm nhập mặn sớm, sâu hơn và cường độ cao” – ông Lê Thanh Tùng- Phó Trưởng phòng Cây lương thực thực phẩm (Cục Trồng trọt) cho biết.
Ông Tăng Đức Thắng - Phó Giám đốc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam nói rõ thêm: “Có khả năng mặn xuất hiện từ tháng 12.2016, kéo dài đến cuối tháng 5.2017. Các vùng ảnh hưởng nặng là Gò Công (Tiền Giang), Nam Mang Thít (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), bán đảo Cà Mau...”.
Theo nhiều đại biểu, đợt hạn mặn lịch sử thời gian qua đã làm cho sản xuất lúa của bà con bị thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi kết thúc mùa khô, lãnh đạo các địa phương đã chỉ đạo không sản xuất lúa vụ 3 (lúa thu đông). Trong đó, Trà Vinh không sản xuất 35.000ha, Bến Tre 15.000ha, Hậu Giang 8.000ha và Tiền Giang 1.000ha. Toàn vùng đã chuyển đổi 8.439ha đất lúa sang cây màu và cây ăn trái. Trong đó, Long An chuyển 968ha sang trồng thanh long và chanh.
“Sau chuyện hàng nghìn ha lúa ở Tiền Giang bị thiệt hại vì hạn mặn, tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi dê và khoanh vùng 1.000ha không làm lúa vụ 3 để gieo sạ vụ đông xuân sớm. Ngoài ra, ở một số vùng chúng tôi cũng định hướng đến 2020 sẽ không sản xuất 3 vụ trong năm” - ông Cao Văn Hoá- Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang nói.
Công tác dự báo chưa theo kịp?
Trước ý kiến của Sở NNPTNT các địa phương về việc cần xuống giống sớm trong vụ lúa đông xuân để né hạn, mặn vào cuối vụ (sử dụng giống lúa ngắn ngày, chịu mặn cao), Bộ NNPTNT cũng đề nghị ĐBSCL bắt đầu gieo sạ vụ lúa mới này từ ngày 10.10 và đạt trên 420.000ha diện tích xuống giống trong tháng 10.
Mặc dù chủ động xuống giống sớm, thế nhưng nhiều địa phương vẫn lo lắng và mong cơ quan chuyên môn có những dự báo sớm về tình hình thời tiết, đặc biệt là xâm nhập mặn. “Chúng tôi đề nghị đài khí tượng thuỷ văn theo dõi sát độ mặn các nhánh ở sông Tiền để thông báo cho địa phương có sự chủ động kịp thời” – ông Hoá cho biết.
Cũng như ông Hoá, bà Phan Thị Thu Sương – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre mong muốn được hỗ trợ từ công tác dự báo: “Mùa khô vừa qua, do dự báo không kịp thời nên phần lớn diện tích lúa trên địa bàn tỉnh bị thiệt hại. Hiện nay, hệ thống thuỷ lợi của tỉnh vẫn chưa khép kín nên rất mong được cơ quan chuyên môn hỗ trợ công tác dự báo”.
Theo bà Sương, liên quan đến công tác phòng chống hạn, mặn, Tỉnh uỷ Bến Tre đã tổ chức hội nghị, ban hành kế hoạch trong thời gian tới. Trong đó, vận động người dân thu hoạch hết diện tích lúa còn lại từ nay đến ngày 15.10, đồng thời dùng mọi biện pháp để trữ nước mưa.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh nhận định, tình hình sản xuất lúa đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đánh giá tình hình khí tượng thuỷ văn xem nơi nào có nguy cơ mặn cao trong thời gian tới để đưa ra khuyến cáo sản xuất lúa hợp lý. “Các địa phương tiếp tục sắp xếp lại mùa vụ cho hợp lý và xuống giống theo khuyến cáo là từ đầu tháng 10. Đồng thời, chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết, hướng dẫn người dân giảm giá thành sản xuất, giảm tiêu tốn nhiều nước, thuốc trừ sâu. Riêng Viện Lúa ĐBSCL, chúng tôi đã giao nghiên cứu các giống lúa chịu hạn, mặn cao và có chất lượng để phục vụ cho vùng. Ngoài cây lúa, các đơn vị, địa phương cũng phải có kế hoạch chống hạn mặn trên cây ăn trái, không để xảy ra thiệt hại nghiêm trọng như ở Bến Tre thời gian qua”.